Này Sāriputta, đức Thế Tôn Vipassī, đức Thế Tôn Sikhī, và đức Thế Tôn Vessabhū đã không nỗ lực để thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết đến các đệ tử và các vị ấy đã có ít suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhūtadhammaṃ, vedallaṃ.(*) Điều học cho các đệ tử đã không được (các vị ấy) quy định và giới bổn Pātimokkha đã không được công bố. Với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh Văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử về sau này có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã khiến cho Phạm hạnh ấy biến mất thật nhanh chóng. Này Sāriputta, cũng giống như nhiều bông hoa khác nhau được đặt xuống ở trên tấm ván sàn và không được kết lại với nhau bằng sợi chỉ, cơn gió (sẽ) làm phân tán, làm tung toé, và hủy hoại chúng. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Này Sāriputta, giống như việc (các bông hoa) không được kết lại với nhau bằng sợi chỉ; này Sāriputta, tương tợ như thế với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh Văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử về sau này có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã khiến cho Phạm hạnh ấy biến mất thật nhanh chóng. Và chư Phật Thế Tôn ấy (chỉ) nỗ lực dùng tâm biết được tâm để giáo huấn các đệ tử. Này Sāriputta, trong thời quá khứ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Vessabhū, ở trong khu rừng ghê rợn nọ, dùng tâm biết được tâm rồi giáo huấn và chỉ dạy hội chúng tỳ khưu một ngàn vị rằng: “Hãy suy tầm như vầy. Chớ suy tầm như thế. Hãy tác ý như vầy. Chớ tác ý như thế. Hãy từ bỏ điều này. Hãy thành tựu rồi an trú điều này.” Này Sāriputta, khi ấy trong lúc được đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Vessabhū giáo huấn như thế chỉ dạy như thế, các tâm của một ngàn vị tỳ khưu ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Này Sāriputta, vào trường hợp ấy trong khi đã bị kinh sợ đối với khu rừng ghê rợn, người nào chưa dứt bỏ ái dục đi vào khu rừng ấy thì hầu hết các sợi lông sẽ dựng đứng lên. Này Sāriputta, đây là nhân, đây là duyên khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Vipassī, thời đức Thế Tôn Sikhī, và thời đức Thế Tôn Vessabhū đã không tồn tại lâu dài.
=> Ngược lại với những điều trên là các điều kiện để phạm hạnh này được tồn tại dài lâu:
- Đức Thế Tôn Kakusandha, đức Thế Tôn Konāgamana, và đức Thế Tôn Kassapa đã nỗ lực để thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết đến các đệ tử.
- Các vị ấy đã có nhiều suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhūtadhammaṃ, vedallaṃ.
- Điều học cho các Thinh Văn đã được (các vị ấy) quy định và giới bổn Pātimokkha đã được công bố.
- Sau khi các đức Thế Tôn + chư Thanh văn tịch diệt, các đệ tử đã duy trì Phạm hạnh ấy lâu dài và trường cửu => cũng giống như nhiều bông hoa khác nhau được đặt xuống ở trên tấm ván sàn và được kết lại với nhau bằng sợi chỉ, cơn gió (sẽ) không làm phân tán, không làm tung toé, và không hủy hoại chúng.
(*) PHÂN LOẠI THỂ TÀI CỦA NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN
Thế nào là có chín phần khi nói về Thể (Aṅga)? Bởi vì toàn bộ gồm có chín hình thức khác biệt, đó là:
1. SUTTAṂ = Khế kinh: Ubhatovibhaṅga, Niddesa, Khandhaka, Parivāra, các bài kinh Maṅgalasutta, Ratanasutta, Nalakasutta, Tuvaṭakasutta trong Suttanipāta (Kinh Tập), và các lời dạy của đấng Như Lai có tựa đề là Kinh (Sutta) thì được xếp vào thể Kinh (Sutta).
2. GEYYAṂ (mixed prose and verse/ a certain style of literature) = Ứng tụng: Các bài kinh có xen các bài kệ vào được biết là thể Geyya; đặc biệt toàn bộ Thiên Có Kệ (Sagāthāvagga) trong Kinh Tương Ưng Bộ là thể Geyya.
3. VEYYĀKARAṆAṂ (answer, explanation, exposition) = Ký thuyết: Toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp, các bài kinh không có xen các bài kệ (những bài kinh bằng văn xuôi), và các lời dạy khác của đức Phật không thuộc tám loại trên được xếp vào thể Veyyākaraṇa.
4. GĀTHĀ (verse or stanza – kệ ngôn) = Phúng tụng: Kinh Pháp Cú, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, các bài có tên là kinh nhưng chỉ là kệ trong Kinh Tập (Suttanipāta) thì được xếp vào thể Gāthā.
5. UDĀNAṂ (emotional utterance) = Phật tự thuyết/ Cảm hứng ngữ/ Vô vấn tự thuyết (Không hỏi tự nói): Tám mươi hai bài kinh liên quan đến các bài kệ do tuệ giác hoan hỷ được xếp vào thể Udāna.
6. ITIVUTTAKAṂ = Như thị thuyết: Một trăm mười hai bài kinh được giới thiệu bằng: “Vuttaṃ h’ etaṃ Bhagavatā ti” (Đức Thế Tôn thuyết về điều ấy như vầy) thì được xếp vào thể Itivuttaka.
7. JĀTAKAṂ = Bản sanh (Bổn sanh, chuyện tiền thân): Năm trăm năm mươi bài (550) kinh Bổn Sanh (có chỗ ghi 547 (4) bắt đầu bằng Bổn Sanh Apannaka được xếp vào thể Jātaka.
8. ABBŪTADHAMMAṂ= Vị tằng hữu pháp/ Pháp chưa từng có: Tất cả các bài kinh liên quan đến pháp kỳ diệu phi thường và được giới thiệu như sau: “Này các tỳ khưu, có bốn pháp kỳ diệu phi thường ở Ānanda,” được xếp vào thể Abbhūtadhamma.
9. VEDALLAṂ = Trí giải hay Phương quảng: Tất cả các bài kinh được hỏi và được liên tục ghi nhận trong sự hiểu biết và hoan hỷ như các bài kinh Cullavedalla, Mahāvedalla, Sammādiṭṭhi, Sakkapañhā, Saṅkhāra-bhājaniya, Mahāpuṇṇama, v.v…được xếp vào thể Vedalla.
khemarama.net