3 lý do không nên phí tiền luyện IELTS khi trình độ còn thấp – và cách học của mình
Chào các bạn. Mình là Vũ Tuấn Dũng. Gần đây, mình tình cờ đọc một bài viết của một bạn học sinh về việc chi khoảng 65 triệu mà trung tâm chỉ cam kết band 5.5, trong khi điều kiện kinh tế của gia đình có vẻ không phải khá giả. Bản thân mình học 4 ngoại ngữ với chi phí tổng cộng từ trước đến giờ chắc chưa đến 20 triệu, mà cũng đạt được IELTS 8.5 overall và chứng chỉ DALF trình độ cao nhất của tiếng Pháp. Đọc xong bài viết, mình rất thương và đồng cảm với bạn học sinh đó. Do vậy, mình có làm video trình bày 3 lý do tại sao chúng ta không nên chi nhiều tiền như vậy để luyện thi IELTS, đặc biệt khi trình độ đang còn thấp, và chia sẻ về cách mình học tiếng Anh như một hướng đi mà các bạn có thể tham khảo. Mình để link video dưới phần comment.
Sau đây là 3 lý do:
- Thứ nhất, khi trình độ còn thấp, điều chúng ta cần nhất là xây dựng một bộ nền móng thật vững chắc, về phát âm, về cách đọc phiên âm, những quy tắc ngữ pháp cơ bản, nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh của ngôn ngữ mình đang học. Khi xây dựng một tòa nhà, bộ móng phải chắc chắn thì tòa nhà mới kiên cố và mới có thể xây cao được. Kiến thức nền tảng có nhiều lỗ hổng là yếu tố khiến cho nhiều người học tiếng Anh học mãi mà vẫn không giỏi lên được. Theo kinh nghiệm của mình thì cách tốt nhất và dễ dàng nhất là học theo một bộ giáo trình tổng quát của một nhà xuất bản uy tín, ví dụ như Cambridge hay Oxford. Hồi xưa, mình học theo bộ giáo trình Streamline có 4 cuốn, từ trình độ sơ cấp cho đến cao cấp. Mình đảm bảo ai mà học cuốn số 4 trình độ cao cấp xong, thì sẽ thấy bài thi IELTS rất dễ, chẳng cần phải tốn tiền đi luyện thi IELTS làm cái gì. Một ưu điểm của những bộ giáo trình như vậy là những người biên soạn đã tính toán kỹ cần học những gì, học cái gì trước, cái gì sau cho hợp lý và mục tiêu cuối cùng là khi học xong bộ giáo trình thì người học sẽ giỏi ngôn ngữ đó. Với điều kiện là học hành đàng hoàng, chăm chỉ! Hồi xưa chỉ có mỗi bộ giáo trình Streamline chứ bây giờ thì có rất nhiều lựa chọn.
Về mặt xây dựng nền móng vững chắc và có một lộ trình học tập bài bản như các giáo trình tổng quát, thì việc luyện IELTS khó mà đảm bảo được. Nếu các bạn để ý thì những từ khóa xung quanh việc luyện IELTS thường mang tính “đối phó” và hơi “mì ăn liền” một chút xíu như “giải đề”, “mẹo”, “bộ đề tủ”, “bộ đề dự đoán theo quý” vv. Luyện IELTS chủ yếu là để làm quen với bố cục, với cấu trúc của bài thi, yêu cầu của mỗi phần, tiêu chí chấm điểm, chiến thuật làm bài như thế nào để đạt điểm cao, chứ không tập trung vào việc dạy một cách bài bản kiến thức về ngôn ngữ đó. Do vậy, khi trình độ tương đối cao rồi thì mới nên luyện IELTS. Còn khi trình độ còn thấp, chúng ta không nên theo cách học đối phó như vậy. Sẽ rất khó để xây dựng một nền tảng vững chắc, và khó tiến xa sau này được.
- Lý do thứ 2 là về tính ứng dụng thực tiễn. Chứng chỉ IELTS band điểm thấp không có nhiều ý nghĩa sử dụng trong thực tế cuộc sống. Hiện nay, Bộ GDĐT có quy định là chỉ cần IELTS 4.0 thì được miễn thi tốt nghiệp, nhiều trường đại học cũng chỉ cần IELTS 5.0, 5.5 thì được ưu đãi xét tuyển hay cộng điểm. Mình nghĩ những quy định ưu đãi dành cho “chuẩn thấp” như thế này có lẽ đã vô hình chung góp phần làm cho nhiều học sinh dù trình độ đang còn yếu vẫn đổ xô vào các lò luyện thi nhằm đạt đủ điểm IELTS để hưởng ưu đãi, chứ không quan tâm nhiều đến việc xây dựng nền móng chắc chắn. Thực tế, IELTS 4 chấm, 5 chấm hay thậm chí là 6 chấm là ở trình độ rất thấp. Nếu bạn muốn sử dụng tiếng Anh thành thạo trong thực tế cuộc sống, ví dụ như trong công việc hoặc đi du học thì ít ra cũng phải đạt trình độ 6.5 – 7.0. Hồi mình đi du học có IELTS 8.0 rồi mà có nhiều lúc nhìn các bạn Mỹ tranh luận trong lớp mình cũng không theo kịp. Các bạn cầm trong tay cái chứng chỉ 5.5, mặc dù có giá trị với nhiều trường ở Việt Nam, nhưng không có giá trị sử dụng thực tiễn, thì cũng không đáng phải mất nhiều tiền cho nó, phải không nào!
- Lý do thứ 3 là về ảnh hưởng tâm lý. IELTS là bài thi kiểm tra năng lực tiếng Anh “phổ rộng”. Đây là điểm mà IELTS khác biệt so với một số chứng chỉ các ngôn ngữ khác kiểm tra năng lực theo “phổ hẹp”. Ví dụ như tiếng Nhật có 5 cấp, từ N5 (vỡ lòng) đến N1 (cao cấp). Mỗi lần thi chỉ thi 1 cấp phổ hẹp thôi. Ví dụ trình độ của bạn đang ở N5 dưới thấp, bạn đăng ký thi N5 thì bạn có thể đậu vì bài thi chỉ kiểm tra kiến thức của trình độ N5, nhưng nếu trình độ bạn N5 mà đăng ký thi N2-N3 ở trên cao thì chắc chắn sẽ thi rớt.
Trong khi đó, thi IELTS không có khái niệm ĐẬU hay RỚT. Trình độ bạn như thế nào cũng thi được IELTS hết, cũng có điểm hết, từ 0 chấm đến 9 chấm. Bài thi IELTS giống như nồi lẩu thập cẩm đưa tất cả các cấp từ N5 đến N1 của tiếng Nhật vào chung một bài thi. Giả sử trình độ tiếng Anh của bạn đang ở mức thấp, tương đương N5-N4 trong tiếng Nhật, thế mà trong bài thi IELTS lại có những phần rất khó, tương đương N2-N1. Như vậy sẽ luôn có RẤT NHIỀU phần trong bài thi IELTS bạn không thể làm đúng hoặc làm tốt được. Điều này rất dễ phát sinh tâm lý sợ bài thi, và tự ti với bản thân. Mà cảm giác sợ và tự ti là 2 cảm giác tối kị trong việc học ngoại ngữ. Học ngoại ngữ thì phải có cảm giác đam mê, tự tin, yêu thích thì mới “thấm”, mới “cảm nhận” trọn vẹn được ngôn ngữ đó. Chứ học mà giống như trẻ em bị bắt ép làm người lớn thì trước mắt có thể tăng một chút điểm đó, nhưng về lâu dài sẽ khó tiến bộ lắm.
CÁCH HỌC CỦA MÌNH
(Dưới đây là phần mình thêm vào bài viết sau khi nhận được các câu hỏi của mọi người)
Chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm đến bài viết của mình. Bài viết này có lẽ cũng chưa thể hiện được hết những điều mình muốn nói nên các bạn có thể xem video để tham khảo thêm. Mình ưu tiên HỌC cái đã trước khi THI bất kỳ chứng chỉ gì. Khi mình lần đầu tiên đi thi IELTS, mình tự luyện thi rất sơ sài nhưng cũng được 8.0. Đó là vì trước đó mình đã HỌC.
Mình nhận được rất nhiều câu hỏi trong phần bình luận và nhắn tin riêng. Xin lỗi mình không thể trả lời hết tất cả các câu hỏi. Có những câu hỏi tưởng đơn giản nhưng để trả lời cho thật có ích và toàn diện thì rất dài dòng. Có những câu mình không/chưa biết câu trả lời, nhưng sẽ đi tìm câu trả lời. Còn những câu đơn giản hơn thì mình phản hồi theo ý kiến cá nhân của mình dưới đây. Xin nhấn mạnh rằng bài viết này, video này chỉ là Ý KIẾN CÁ NHÂN của mình như một gợi ý, một hướng đi thôi. Có rất nhiều cách, nhiều hướng đi và hướng đi của mình không nhất thiết phù hợp với tất cả mọi người.
Bây giờ mình giới thiệu sơ lược về hành trình học tiếng Anh của mình như một trong những hướng đi mà các bạn có thể tham khảo. Bên cạnh kiến thức học được trong trường phổ thông, thì mình học từ những tài liệu bên ngoài là chủ yếu.
Cuối năm lớp 8, tiếng Anh mình là con số 0, và bắt đầu học lớp vỡ lòng ở một trung tâm buổi tối, theo bộ giáo trình tiếng Anh tổng quát Streamline. Sau một năm học ở trung tâm thì mình thi đậu vào lớp 10 chuyên Anh. Mình kiên trì học Streamline ở trung tâm đến cuối năm lớp 11, nhưng tiếng Anh vẫn ở mức trung bình trong lớp chuyên Anh.
Tuy nhiên, trong 3 tháng hè trước khi vào lớp 12, mình quyết định nghỉ học ở trung tâm và TỰ HỌC phần còn lại của cuốn Streamline 3, đồng thời mua sách ở ngoài tự học thêm, và bắt đầu luyện nghe đài BBC và VOA. Nhờ quyết định tự học này mà mình đã bứt phá so với các bạn trong lớp và năm lớp 12 thi đạt giải Nhất tiếng Anh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và sau đó là giải Khuyến khích toàn quốc. Mình phát hiện ra rằng tự học giúp TỐC ĐỘ lĩnh hội kiến thức của mình nhanh hơn nhiều lần so với đi học ở trung tâm.
Yếu tố tốc độ này cực kỳ quan trọng. Vì sao? Vì nếu trong thời gian ngắn mà học được nhiều kiến thức thì sẽ tạo tâm lý hưng phấn, làm cho ta càng lao vào học hành chăm chỉ, và kết quả là càng tiến bộ nhanh hơn. Còn ngược lại, nếu tốc độ học chậm, thời gian học kéo dài mà học được ít kiến thức thì sẽ dễ nảy sinh tâm lý ức chế, chán nản, và đây cũng là lý do mà nhiều người bỏ cuộc trên hành trình học ngoại ngữ. Dù gì thì chúng ta cũng chỉ muốn học 1 ngoại ngữ dứt điểm trong khoảng 5-7 năm là phải giỏi rồi, chứ ít ai muốn dành cả chục năm thanh xuân chỉ để học 1 ngoại ngữ, phải không nào!
Song song với việc học giáo trình tổng quát (Streamline) là chính thì mình tự học thêm từ nhiều nguồn bổ sung khác, như nghe radio, nghe nhạc, xem phim, xem TV, đọc các loại sách báo. Mình thấy giai đoạn khởi đầu học ở trung tâm tận 2 năm rưỡi – 3 năm như vậy cũng rất lâu nên với các ngôn ngữ mà mình học sau này, thì mình đều giảm thời gian học ở trung tâm xuống. Ví dụ như tiếng Pháp thì mình chỉ học vài khóa vỡ lòng – căn bản ở trung tâm khoảng 8 tháng là sau đó mình tự học luôn và sau này thi lấy được chứng chỉ DALF cao nhất của tiếng Pháp.
Vào năm nhất thời sinh viên, mình tiếp tục tự học hết cuốn Streamline 4 và mua thêm nhiều tài liệu khác về tự học, chủ yếu là những cuốn sách nào có kèm băng cassette. Khoảng cuối năm nhất, khi đi thi thử TOEFL trên giấy được khoảng 630 điểm, mình đã quyết định dừng học tiếng Anh một cách “tích cực chủ động” mà chỉ học “bị động” thôi. Thời đó, nhiều trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM tuyển giáo viên chỉ cần TOEFL 600 điểm là nhận rồi. Tổng cộng, chỉ mất khoảng 5 năm, từ cuối năm lớp 8 đến cuối năm nhất thời sinh viên là xem như mình đã cơ bản “học xong” tiếng Anh. Cách đây vài tháng, mình thi IELTS được 8.5 overall. Trình độ tiếng Anh hiện tại của mình so với thời sinh viên năm nhất có thể nói là ngang ngửa, có cái bây giờ hơn nhưng có cái thua.
Nói tóm lại, tiếng Anh của mình tốt chủ yếu là nhờ học bộ giáo trình tổng quát Streamline hồi xưa, chẳng có gì cao siêu cả. Khi có nền tảng tốt thì đi thi chứng chỉ gì cũng có thể đạt điểm cao cả. TOEFL hay IELTS cũng vậy. Chỉ cần làm quen với bố cục, cấu trúc, yêu cầu của bài thi, cách chấm điểm, mẹo làm bài là thi đạt điểm cao thôi. Tài liệu tự luyện IELTS thì bây giờ có đầy trên mạng. Bạn chả cần đến trung tâm làm gì.
Mình hy vọng qua bài viết này, các bạn trẻ đang yếu tiếng Anh tìm thấy một hướng đi, một cách học vừa nhanh, vừa tiện, vừa hiệu quả, với chi phí rất thấp, thay vì “đốt tiền” trong các “lò luyện” – những đồng tiền mà có thể bố mẹ các bạn đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt.
1. Streamline là gì?
Là bộ giáo trình tổng quát 4 tập từ trình độ sơ cấp đến cao cấp, thời mình học cách đây gần 30 năm rồi. Do vậy, mình khuyên KHÔNG NÊN học bộ này bây giờ vì có thể nhiều từ ngữ và ngữ cảnh không còn phù hợp, trừ phi bộ giáo trình này cập nhật trong 10 năm trở lại. Mình không rõ trên thị trường hiện nay có những giáo trình gì và giáo trình nào hay, nhưng mình nghĩ có rất nhiều. Khi nào mình sẽ tìm hiểu thêm, nhưng một quyển sách dễ cho người tự học sẽ có phần từ vựng chi tiết, giải thích Anh-Anh và cho nghĩa tiếng Việt, và có nhiều ví dụ sử dụng từ vựng đó trong ngữ cảnh nào, giải thích chi tiết các điểm ngữ pháp, có nhiều phần nghe. Các bạn cũng có thể mua nhiều hơn 1 bộ giáo trình để học song song chứ không nhất thiết chỉ học 1 bộ. Cùng 1 bộ kiến thức nhưng được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau sẽ giúp mình nhớ lâu và nhớ rõ hơn.
2. Khi trình độ là số 0, có nên tự học?
Theo mình thì chưa. Khi chưa biết gì thì nên đến một trung tâm buổi tối (ở TPHCM thì có ĐH Sư phạm, ĐH KHXHNV) học một thời gian đến khi cảm thấy thoải mái, tự tin thì tự học. Mình quan trọng nhất là lớp vỡ lòng. Một giáo viên tốt/khóa học hay sẽ dạy cho bạn bộ âm của ngôn ngữ đó (nguyên âm, phụ âm, vv), cách đọc phiên âm quốc tế, loại từ (động từ, tính từ…), các đặc điểm khác của ngôn ngữ. Giáo viên nào mà không dạy phiên âm quốc tế (để mình sau này có thể tự đọc được trong từ điển) thì bạn nên chuyển lớp hoặc học chỗ khác. Mỗi khi mình cần ôn lại 1 ngoại ngữ, mình luôn bắt đầu bằng những bài học vỡ lòng. Sau này, mình sẽ thử nghiệm tự học một ngôn ngữ nào đó từ con số 0 xem sao.
3. Làm gì khi trình độ không hẳn là con số 0, nhưng mất căn bản và trình độ còn thấp?
Theo mình thì hãy học lại từ lớp vỡ lòng, nhằm trám lại các lỗ hổng.
4. Học một lúc nhiều ngôn ngữ được không?
Theo kinh nghiệm của mình thì không có vấn đề gì, miễn là mình phân bổ thời gian học hợp lý và xen kẽ nhau, tránh nhồi 1 lúc nhiều thứ. Thời mình còn làm giáo viên tiếng Anh thì thời gian rảnh vẫn học tiếng Pháp và Hoa được. Nhưng khi học bằng ngôn ngữ gì thì nên tập tư duy/suy nghĩ trong đầu bằng ngôn ngữ đó.
Chúc các bạn sáng suốt để thành công!
Vũ Tuấn Dũng