Phương cách tu tập tại Trung Tâm Thiền Pa-auk, Myanmar, chủ yếu dựa trên con đường của “cỗ xe tịnh chỉ (samatha yānika)”, tức thực hành thiền định (samatha) trước, làm nền tảng thực hành thiền minh sát (vipassanā). Vì thế nên, thiền định được nhắc đến trước tiên tại đây, và được xem là nền tảng chuẩn mực hướng đến trí giải thoát, đúng với sự mô tả trong Tam Tạng Pāli và các Chú giải, nhất là Bộ Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo). Chính vì điều này, mỗi khi nhắc đến thiền sinh Pa-auk, một số người thường hay gán cho cái tên “mấy ông tu Định”.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, con đường thực hành khởi đầu của trung tâm thiền Pa-auk năm xưa do ngài Ashin Āciṇṇa, Pa-auk Sayadaw, chỉ dạy chính là sự thực hành theo cỗ xe thuần quán (suddha vipassanā yānika), tức thực hành thẳng vào minh sát thông qua thiền tứ đại. Trong thiền tứ đại, hành giả sẽ phát triển được ánh sáng trí tuệ cùng với năng lực của 1 loại định được gọi là sát-na định (khanika samādhi). Với nó, hành giả sẽ có thể tuệ tri được sắc tối hậu vốn là bước khởi đầu của thiền minh sát (vipassanā).
NHƯNG, sau một thời gian, ngài nhận thấy rằng, ba-la-mật và khả năng của một số hành giả thuần quán ngày nay còn nhiều hạn chế, bởi trong quá trình thực hành, sát-na định mà họ có thể phát triển trực tiếp thông qua thiền tứ đại không đủ mạnh để đi sâu vào các giai đoạn minh sát cao hơn, kết qủa là, sự tu tập của họ bị khựng lại. Thế nên, ngài Pa-auk Sayadaw mới hướng đến phương cách giảng dạy theo “cỗ xe tịnh chỉ”, với đề mục thiền định Ānāpānasati (Niệm Hơi Thở)làm pháp hành căn bản. Sự lựa chọn này là bởi đối tượng thiền Ānāpānasati luôn sẵn có, luôn hiện hữu, vì ai cũng có hơi thở, nên chẳng phải tìm kiếm hay thông qua một phương tiện trung gian nào cả. Chính vì vậy, đề mục này phù hợp cho hầu hết các đối tượng thiền sinh để tu tập bốn bậc thiền hữu sắc, làm nền tảng vững mạnh để phát triển thiền minh sát, cũng như, tăng cường sức mạnh sát-na định vốn là cửa ngõ cho minh sát. Vì sao gọi sát-na định là cửa ngõ cho minh sát? Phụ chú giải Thanh Tịnh Đạo giải thích rằng:
“Nahi khanikasamādhim vinā vipassanā sambhavati.” (Vism. T. 1:11) - “Không có tuệ quán nào xảy ra mà không có sát-na định”.
John Doe
Dù theo cổ xe tịnh chỉ (samatha yānika) hay cổ xe thuần quán (suddha vipassanā yānika), điều quan trọng là thiền sinh phải có được sát-na định sắc bén để đâm thủng các khối tưởng, các giả tướng, và thấy ra được các chân tướng cùng tột là sự sanh diệt của danh-sắc và các nhân của chúng. Sự khác biệt duy nhất của những hành giả theo cổ xe tịnh chỉ là khi thực hành minh sát, sát-na định của họ có thể được “mài bén hơn” lúc sử dụng.
Dù vậy, một số thiền sinh sau khi đắc thiền hơi thở và chuyển sang khai triển thiền minh sát, khi tiến lên giai đoạn bậc cao, chẳng hạn, Pháp Duyên Khởi (Paṭicca Samuppāda) hay Thập Nhị Nhân Duyên, ở giai đoạn này, thiền sinh phải thấy rõ được tiến trình nhân quả (duyên sanh) của bản thân trong kiếp hiện tại có liên hệ như thế nào với kiếp quá khứ, và kiếp tương lai. Nói cách khác, thiền sinh phải tuệ tri được tiến trình danh-sắc hiện tại là quả của tiến trình danh-sắc trong quá khứ và là nhân của tiến trình danh-sắc trong tương lai… Thông đạt giai đoạn này, thiền sinh sẽ đắc được Trí Nắm bắt Nhân Duyên (paccaya pariggaha ñaṇa), nhờ đó, vị ấy có thể đoạn trừ được những hoài nghi về luân hồi, về kiếp trước, kiếp sau, đồng thời, có được chánh kiến thực thụ về nhân quả.
Ví như một cái cây đang bén rễ vào mảnh đất Giáo Pháp và sẽ mọc lên vững chắc, nên dù chưa đắc vào dòng Thánh trong kiếp hiện tại, nhưng vị ấy sẽ không phải tái sinh vào một trong bốn ác đạo (apāya) sau khi chết và sẽ đạt đến sanh thú tốt lành. Nếu tiếp tục tu tập trong kiếp kế, vị ấy sẽ đắc Quả. Chính vì vậy, Bộ Thanh Tịnh Đạo có giải thích như sau: “… laddhassāso laddhapatiṭṭho niyatagatiko cūḷasotāpanno nāma hoti”
(… vị đã tìm được sự giảm khổ đau trong Giáo Pháp của đức Phật, vị đã tìm được nơi an ổn, đã có được một sanh thú chắc chắn, tốt đẹp, vì thế vị ấy được gọi là một vị Tiểu Nhập Lưu (cūḷa sotapanna)).
Tuy nhiên, vào giai đoạn này, có những thiền sinh không thể tiến sâu hơn bởi năng lực định tứ thiền hơi thở của họ không đủ. Thậm chí, dù ở những giai đoạn tu tập trước đó, chẳng hạn, giai đoạn phân biệt danh-sắc bên trong và bên ngoài, những trường hợp như “rớt thiền” hay “hoại thiền” cũng hay xảy ra khiến cho việc đi tiếp trở nên khó khăn.
Để củng cố lại năng lực thiền, ngài Pa-Auk Sayadaw, đã khuyến khích tu tập các đề mục kasina (biến xứ tròn có màu) nhằm đắc được tám thiền chứng, là bốn bậc thiền hữu sắc và bốn bậc thiền vô sắc, làm nền tảng “cứng hơn” cho sự thực hành vào các giai đoạn cao của thiền minh sát. Và để khai triển thiền này, thiền sinh sẽ sử dụng sức mạnh tứ thiền hơi thở để hành trực tiếp vào đề mục 32 thân phần. Tưởng kasina sẽ được hình thành dựa trên yếu tố màu của mỗi thân phần, chẳng hạn, kasina trắng dựa trên màu của bộ xương. Do vậy, thiền sinh sẽ tiếp tục khai triển thiền bộ xương để làm bước đệm cho định kasina trắng. Tương tự với các đề mục kasina khác.
Bên cạnh đó, để bảo vệ tâm thiền, các đề mục thiền bảo hộ như Thiền Tâm Từ, Niệm Ân Đức Phật, Quán Bất Tịnh, Niệm Sự Chết, cùng với sự tu tập bốn Phạm Trú là Từ, Bi, Hỷ, Xả cũng được. Chính vì vậy, khi nhìn vào bản đồ lộ trình tu tập tại Pa-auk, người ta lại thấy khá “nhức mắt” và “nhức đầu”. Bởi ngoài việc y cứ theo hệ thống thực hành trong Thanh Tịnh Đạo, việc tu tập đa dạng các đề mục thiền định tại Pa-Auk chỉ nhằm mục đích phát huy năng lực thiền ở mức cao nhất cho sự tiến đạt vào đỉnh điểm của thiền minh sát thực thụ.
Chỉ có thiền minh sát thực thụ mới có thể trợ duyên cho Tuệ Đạo và Tuệ Quả sanh khởi. Để khai triển thiền này, thiền sinh phải thấy rõ các pháp chân đế, sự sanh và sự diệt của danh và sắc cùng các nhân duyên của chúng. Điều này cũng có nghĩa là, vị ấy phải thông đạt được Pháp Duyên Khởi như lời Đức Phật đã nói với Tôn giả Ānanda trong Kinh Đại Duyên (Mahānidāna) của Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya):
‘Này Ānanda, pháp duyên khởi này thực là thâm sâu và uyên áo. Do không chứng ngộ duyên khởi với tuỳ giác trí (anubodha ñāṇa) và thông đạt trí (pativedha ñāṇa), các chúng sinh đã bị rối ren trong vòng luân hồi (samsara) giống như một cuộn chỉ rối, giống như một tổ kén, như đám cỏ lau đan bện vào nhau không tìm thấy đâu là đầu đâu là cuối; và do đó họ không thể thoát khỏi các đoạ xứ.’
Như vậy, khi nói đến con đường thực hành thiền tại Pa-auk ngày nay thì đó sẽ là con đường của cỗ xe tịnh chỉ (samatha yānika), cũng chính là sự đúc kết kinh nghiệm của ngài Pa-auk Sayadaw trong quá trình dạy thiền. Tuy nhiên, nếu có thiền sinh nào TỰ TIN với trí tuệ và ba-la-mật của mình, với ước muốn thực hành thuần quán, vị ấy vẫn có thể yêu cầu sự chỉ dẫn và các vị thầy vẫn luôn sẵn lòng.
-SPQ-