Phận sự của chúng ta với tư cách Phật tử, hàng tu sĩ và cư sĩ, đức Thế Tôn đã dạy không có việc gì quan trọng hơn chuyên tâm học giáo lý và áp dụng lời Phật dạy vào thực hành để dần thoát khỏi khổ đau cho bản thân và/hoặc có thể chia sẻ cho bất cứ ai hữu duyên để góp phần bảo tồn chánh pháp. Như lời Phật dạy trước khi Níp bàn:
"Tasmātiha bhikkhave ye te mayā dhammā abhiññā desitā, te vo sādhukaṃ uggahetva āsevitabbā bhāvetabbā bahulīkātabbā - Này chư tỳ khưu, ta đã giải thích rõ những Chân lý (dhamma) mà ta đã tự mình thắng tri cho các người. Các người cần phải khéo học tập, trau dồi, tu tập và thực hành thường xuyên những pháp ấy”. (1)
Do đó, bài viết này nhằm giới thiệu định hướng tu học với quan kiến cá nhân thông qua con đường Pháp học và Pháp hành đến hàng đệ tử Phật.
Pháp học
1.1. Định nghĩa pháp học
Trong Phật giáo Theravada, Pariyatti là một thuật ngữ Pāli có nghĩa 'lý thuyết', nhấnmạnh việc nghiên cứu giáo lý, có mối tương quan với Pháp được đức Phật thuyết trong kinh điển Phật giáo. Từ ‘sự phân chia pariyatti trong tam tạng (tīsu piṭakesu tividho pariyatti-bhedo), pariyatti bao gồm tạng kinh, tạng luật và tạng thắng pháp của kinh điển Pāli. Pariyatti cũng có nghĩa sự hiểu biết lý thuyết về Pháp có được thông qua việc đọc, nghiên cứu và học hỏi. Pariyatti có liên quan nhưng lại đối lập với patipatti, tức áp dụng lý thuyết vào thực hành, và pativedha, hàm ý chứng ngộ giáo lý pháp học thông qua trải nghiệm thực tế.
1.2. Con đường pháp học đối với giới trẻ
Nếu chưa xác định cho mình môi trường pháp học và pháp hành vững chãi để tự thân nỗ lực tu tập có kết quả mà không cần qua trường lớp, giới trẻ ít nhất cần nỗ lực tốt nghiệp trung học phổ thông và tiếp tục theo đuổi chương trình học tập có bằng cấp. Tuỳ vào năng lực cá nhân, nếu vị nào có định hướng bằng cấp chỉ có giá trị sử dụng đối với Giáo hội hay trong nước thì nên học chương trình cử nhân Phật học, với hình thức đào tạo trực tiếp hoặc từ xa, tại các trường Đại học Phật giáo tại Việt Nam.
Đối với những vị chưa có đam mê với tiếng Anh hay không có khả năng học ngoại ngữ thì có thể lựa chọn học cử nhân Phật học ngay từ đầu. Ngoài ra, họ cũng có thể học thêm văn bằng hai để mở rộng kiến thức, hay nâng cao bằng cấp trong nước, với các ngành: Tôn giáo học, Giáo dục học, Giáo dục mầm non, Văn học, Tâm lý học, Triết học, Văn hoá học.
Đối với vị nào có nền tảng tiếng Anh ổn định sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, có thể lựa chọn như sau:
1.2.1.
Ngành Ngôn ngữ Anh hoặc Sư phạm tiếng Anh - hệ đào tạo chính quy, hoặc bán thời gian, hoặc trực tuyến. Hệ chính quy hiện tại có rất nhiều trường tuyển sinh ngành này với đa dạng điểm chuẩn. Nếu học bán thời gian hoặc trực tuyến, quý vị có thể chọn học Ngôn ngữ Anh tại trường: ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM – Hà Nội, ĐH Mở TPHCM – Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Thái Nguyên, ĐH Quy Nhơn, ĐH Trà Vinh, ĐH Đồng Tháp. Nếu học bán thời gian hoặc trực tuyến ngành Sư phạm tiếng Anh: ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM.
1.2.2.
Với kiến thức tiếng Anh nền tảng vững chắc và có khả năng tự vun bồi giáo lý Phật học căn bản cũng như tự trang bị từ vựng Anh văn Phật pháp, quý vị có thể lựa chọn các trường quốc tế phù hợp để theo học cử nhân Phật học. Sau đó, tuỳ vào khả năng tài chính hoặc nỗ lực cá nhân để được cấp học bổng, quý vị nên đến quốc gia khác để nâng cao trình độ và bằng cấp nhằm thay đổi môi trường và tích luỹ thêm trải nghiệm cá nhân. Hoặc quý vị có thể theo học miễn phí tại trường Đại học Phật giáo quốc tế ITBMU tại Yangon, Myanmar. Trường này nhận học viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông và đủ điều kiện theo học chương trình từ Tiền cử nhân, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ.
1.2.3.
Học khoa Anh văn Phật pháp tại các trường Đại học Phật giáo trong nước nếu cảm thấy chưa đủ tự tin học chương trình cử nhân tiếng Anh bên ngoài. Chỉ cần quý vị có nền tảng tiếng Anh phổ thông khá ổn và nỗ lực trong học tập thì sẽ đủ khả năng theo đuổi chương trình Anh văn Phật pháp.
Nếu vị nào thật sự muốn phát triển và sử dụng hiệu quả những kiến thức ngoại ngữ đã học thì nên chọn ngành Ngôn ngữ Anh tại các trường đại học ngay từ đầu để được tiếp xúc đa dạng môn học nhằm trau dồi các kỹ năng và hệ thống kiến thức chất lượng. Sau khi học chương trình cử nhân ngôn ngữ Anh, quý vị sẽ có khả năng trang bị thêm vốn kiến thức tiếng Anh Phật giáo để du học hoặc theo học những chương trình sau đại học và thạc sĩ trực tuyến với bằng cấp có giá trị sử dụng quốc tế: Phật học, Tôn giáo học, Giáo dục học, Tâm lý học, Triết học tại đa dạng quốc gia Mỹ, Anh, Úc, Canada, Phần Lan, Singapore, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Ấn Độ.
Đối với những vị có đam mê chuyên sâu tiếng Anh và định hướng học để phục vụ: làm giáo viên tiếng Anh, giảng dạy Anh văn Phật pháp, biên phiên dịch pháp, nghiên cứu tam tạng, hay giảng sư quốc tế thì nên đầu tư nghiêm túc thời gian vào chương trình Cử nhân Ngôn ngữ Anh hệ chính quy, tại chức hoặc trực tuyến. Chương trình này cung cấp kiến thức chuẩn nhất về căn bản và các kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo và chia sẻ kiến thức cho người khác. Nếu sau khi hoàn tất chương trình cử nhân mà vẫn chưa đủ tự tin, quý vị nên học tiếp thạc sĩ Ngôn ngữ Anh hay các chương trình thạc sĩ quốc tế, ưu tiên các quốc gia Tây u để được nâng cao khả năng học thuật chuẩn tiếng Anh, mở mang sự hiểu biết, học được phương pháp tự nghiên cứu, cũng như củng cố mạnh mẽ các kỹ năng và bằng cấp đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay trong thời đại kỹ thuật số, không khó để chúng ta có thể học online tại nhiều trường trên thế giới nhằm tiết kiệm chi phí.
Như vậy, nếu hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh trong đời sống tại gia và xuất gia, giới trẻ hay tu sĩ trẻ sẽ có thể đầu tư nghiêm túc vào quá trình học tập và thực hành. Từ đó, chúng ta sẽ có thể tìm hiểu trực tiếp các tài liệu tiếng Anh để áp dụng tu tập. Ngoài ra, tuỳ theo năng lực và nguyện vọng, quý vị có thể theo học đa dạng các ngoại ngữ khác như Pali, Sanskrit, Miến, Thái, Hoa để nghiên cứu trực tiếp Tam tạng kinh điển và dễ dàng giao tiếp với giáo thọ hay thiền sư nơi chúng ta đến học và thực hành.
2. Pháp hành
2.1. Định nghĩa
Paṭipatti có nghĩa thực hành Pháp, trái ngược với sự hiểu biết lý thuyết đơn thuầnthông qua thực hành sīla, samādhi và paññā (giới, định, tuệ) tương ứng Bát Thánh Đạo. Theo quan điểm Phật giáo, không có gì ngoài tuệ giác có thể chứng ngộ chân lý tối thượng nhờ hành thiền.Như trong Chú giải Kinh Ghaṭīkāra [4]có nói:
"Pasanno ca pasannākāraṃ kātuṃ sakkhissati." (2) - (Những người có niềm tin chân chánh đối với Tam Bảo có thể biểu lộ lòng kính tín của họ qua việc thực hành.)
2.2. Con đường pháp hành
Giới trẻ sau khi hoàn tất các chương trình pháp học thì có thể chuyển sang chuyên tâm thực hành. Nhờ am hiểu giáo lý, quý vị có thể chọn trung tâm thiền hay môi trường thực hành phù hợp căn cơ và nhân duyên cá nhân để tinh cần tu học trong một khoảng thời gian cố định nhằm quan sát sự thay đổi khả quan của bản thân. Hành giả mới bắt đầu với pháp hành nên chọn cho mình môi trường ẩn tu phù hợp để hành thiền miên mật. Bởi lẽ, nếu đã xác định tập trung thực hành nhưng còn tham gia các hoạt động khác, tâm sẽ bị dao động dẫn đến khó đạt kết quả trong thiền. “Vì trong nhiều bài kinh đức Phật thường quở trách các vị tỳ khưu làm những việc sau:
- Ưa thích làm việc (kammārāmatā)
- Ưa thích nói chuyện (bhassārāmatā)
- Ưa thích ngủ nghỉ (niddārāmatā)
- Ưa thích hội chúng
- Không phòng hộ các căn
- Không tiết độ trong ăn uống
- Không cố gắng thực hành Chỉ-Quán với sự tiết chế ngủ nghỉ
- Lười biếng không thực hành Chỉ-Quán (kusita, kosajja)
Nếu có việc gì hành giả cần phải làm cho Tăng chúng hay cho chính bản thân mình thì hãy cố gắng hoàn tất nhanh chóng càng sớm càng tốt để trở lại với việc hành thiền của mình với tâm an tịnh. Nếu hành giả thích làm việc nhiều quá thì đó là một chướng ngại cho thiền vì niệm vững chắc và mạnh mẽ trên đối tượng thiền lúc ấy khó có thể đạt được. Nói chung, thích làm việc sẽ không tạo ra định tâm tốt được.” (3)
Nếu vị nào đã áp dụng thực hành một vài năm mà chưa có kết quả thì cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. Nếu vẫn chưa nhận thấy sự tiến triển thì có thể lựa chọn trở lại nghiên cứu pháp học, biên phiên dịch, hay phục vụ giảng dạy, chia sẻ kiến thức. Đối với một số vị trẻ nhưng chưa có duyên hoặc chưa muốn theo đuổi con đường pháp học thì cũng có thể theo đuổi con đường thực hành trước và học sau vì tuổi trẻ còn nhiều thời gian và sự lựa chọn hơn.
3. Con đường pháp học và pháp hành đối với người có tuổi
Quý vị có thể theo học một số lớp giáo lý căn bản trước khi áp dụng thực hành hoặc hoàn tất chương trình cử nhân Phật học trong nước hay quốc tế tuỳ theo khả năng. Đối với các vị có tuổi, hãy ưu tiên dành thời gian học giáo lý nền tảng để thực hành trước khi theo đuổi con đường pháp học lâu dài để tránh lãng phí thời gian của tuổi già, vì sự thực hành vốn quan trọng hơn hết để gieo duyên trên đạo lộ giải thoát. Trong Kinh Đại Niết-bàn, đức Phật dạy: "Paripakko vayo mayhaṃ, parittaṃ mama jīvitaṃ." (Tuổi ta giờ đã quá già, thọ mạng chỉ còn ngắn ngủi.)
“Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo, vayadhammā sankhārā appamādena sampādetha.”
(Này các tỳ khưu, tất cả hành (pháp hữu vi) phải chịu sự tan hoại, do đó hãy phấn đấu chớ nên dễ duôi.)
Hi vọng những thông tin trên với góc nhìn thiển cận cá nhân có thể cung cấp cho quý vị tấm bản đồ phù hợp để có thể xác định mục tiêu tu học ngay từ đầu và tinh cần dõng mãnh tiến bước. Nếu thực hiện được hai bổn phận trau dồi pháp học và pháp hành, có thể nói rằng chúng ta đang thở theo những chỉ dẫn của đức Phật để có thể mang lại lợi ích cho chúng sanh. Vì sao?
“Tadassa bahujanahitāya bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ“
(Vì an lạc và lợi ích cho số đông,
Xuất phát từ lòng bi mẫn cho đời,
Vì sự an lạc và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại.) (4)
Chỉ khi thực hành theo lời dạy của đức Thế Tôn, chúng ta mới có năng lực truyền trao Giáo Pháp đến các thế hệ tương lai như một di sản, mới có thể chia sẻ cho hàng chư Thiên và loài người.
(1) (4) D.ii.3 (184) Maha Parinibbàna Sutta (The Great Parinibbàna Sutta)
(2) MA.II.iv.1 (The GhaṭīkāraSutta)
(3) Knowing and seeing – Pa Auk Sayadaw
Sayalay Vijjāñāṇī (Tue Minh)