Trong cuốn Dictionarium Anamitico–Latinum (Từ điển Annam-Latin), tác giả sách là cha cố J. S. Theurel từng đưa ra quan điểm cho rằng ngôn ngữ của người Việt có nguồn gốc tiếng Hán.[1] Do đó, từ vựng, văn phong, và ngôn ngữ Phật giáo được sử dụng trong tiếng Việt cũng có ảnh hưởng từ Hán văn. Ngôn ngữ Hán vốn hành văn ngắn gọn súc tích, dùng chữ rất chọn lọc, ý nghĩa thâm thúy nên ngay cả người Việt nếu không hiểu rõ nghĩa của từ có nguồn gốc Hán ngữ cũng sẽ khó nắm bắt trọn vẹn nội dung được truyền tải. Đặc biệt, ngôn ngữ Phật giáo trong Tam tạng kinh điển Tipitaka được chư bậc Tôn túc biên dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt từ nhiều năm trước cũng hàm chứa rất nhiều từ vựng Hán Việt. Như vậy, để hiểu được ngôn ngữ kinh điển tiếng mẹ đẻ, chính người Việt chúng ta cần phải học qua các lớp giáo lý hay nghiên cứu Phật học sâu hơn mới có thể thông suốt được ý nghĩa sâu sắc mà đức Phật đã giảng dạy.
Nhắc đến mảng nghiên cứu giáo lý Phật học, không thể quên đề cập tầm quan trọng của việc biết thêm ngoại ngữ chắc chắn sẽ tiếp thêm sức mạnh trong giới học thuật để lĩnh hội và vun bồi kiến thức. Theo Phật giáo Theravada, tất cả tam tạng kinh điển Tipitaka đã được lưu giữ tới ngày nay dưới dạng tiếng Pali và hầu hết đã được chuyển sang Anh ngữ. Tuy nhiên, số lượng hành giả thông thạo tiếng Pali ở nước ta và trên thế giới hiện không nhiều. Trong khi đó, tiếng Anh được sử dụng như một sinh ngữ thế giới và kinh điển cũng đã được dịch sang Anh ngữ nên hàng đệ tử Phật cần vun bồi ngoại ngữ này trong thời đại hội nhập toàn cầu. Từ đó, hành giả Phật giáo có thể sử dụng tiếng Anh để so sánh đối chiếu giữa các ngôn ngữ khi học giáo lý và diễn đạt trong giao tiếp hiệu quả với các bạn đạo quốc tế, nhằm góp phần truyền đạt và bảo tồn giá trị Phật giáo đến nhân loại. Do đó, “tiếng Anh – ngôn ngữ giúp Phật giáo tiến xa hơn, hội nhập sâu hơn” và Phật giáo có thể sẽ trường tồn lâu hơn nhờ tìm ra tiếng nói chung trong bối cảnh thế giới hiện đại.
Những ai đã chinh phục thành công tiếng Anh đều có cùng quan điểm rằng “tiếng Anh khó, tiếng Việt còn khó hơn” do tiếng Việt bị ảnh hưởng Hán ngữ và tiếng Việt thuộc top ngôn ngữ khó nuốt nhất thế giới. Chính vì tiếng Anh đơn giản hơn tiếng Việt rất nhiều nên mới có thể trở thành ngôn ngữ phổ biến nhất trên toàn cầu. Do đó, người thành thạo tiếng Anh sẽ lựa chọn đọc thẳng vào kinh điển đã được biên dịch sang tiếng Anh và thấy dễ hiểu hơn nhờ cách sử dụng từ vựng đúng ngữ cảnh và ngữ pháp chặt chẽ thể hiện sự trọn vẹn từng câu từ, thay vì đọc bản tiếng Việt sẽ khó có thể nắm bắt chính xác nội dung bài kinh với vô số từ vựng Hán ngữ.
Hiểu được lợi ích và điểm mạnh của tiếng Anh sẽ giúp người học đam mê và kiên trì hơn:
Ngôn ngữ với nhiều cách diễn đạt[2]
Những người nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai nhận xét rằng có rất nhiều cách để diễn đạt về cùng một đối tượng nhờ lượng từ vựng tiếng Anh đa dạng. Theo thống kê của từ điển Merriam-Webster, tiếng Anh có khoảng 1 triệu từ[3], và mỗi năm từ mới được bổ sung thêm.
Tiếng Anh thực sự linh hoạt
Một trong những tài sản quý giá nhất của tiếng Anh là tính linh động. Đó là lý do tiếng Anh không phân biệt đối xử – bạn có thể sử dụng theo cách mình thích. Các nước như Singapore đã áp dụng khái niệm này, sáng tạo ra một loại tiếng Anh hoàn toàn mới được gọi là “Singlish” hấp thụ nhiều mặt của các ngôn ngữ khác như Trung Quốc và Malay.[2]
Tiếng Anh rất chặt chẽ và logic
Những ai thành thạo tiếng Anh đều thừa nhận rằng, đây là một ngôn ngữ rất chặt chẽ về ngữ pháp và ý nghĩa. Trong khi tiếng Việt, một từ có thể diễn giải thành nhiều nghĩa khác nhau, thì các từ ngữ tiếng Anh trong mỗi hoàn cảnh nhất định đều chỉ được mang một lớp nghĩa duy nhất. Hơn nữa, hệ thống cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh rất khoa học và logic. Mỗi cấu trúc ngữ pháp đều có mối liên hệ gắn bó với nhau và tạo nên một chỉnh thể rất hoàn chỉnh và thống nhất. Chặt chẽ và không kém phần linh hoạt, người dùng có thể sử dụng nhiều dạng câu khác nhau để diễn tả cùng một ý. Điều này giúp cho việc giao tiếp tiếng Anh vừa rõ ràng vừa uyển chuyển. Như vậy, chỉ cần nắm các nguyên tắc cơ bản thì việc học tiếng Anh sẽ trở nên rất dễ dàng.
English simplicity compared to other languages [4]
Với những ai không biết ngoại ngữ thì tất cả mọi thứ tiếng đều khó như nhau. Tuy nhiên, nếu xem xét dựa trên mối tương quan giữa các ngôn ngữ trên thế giới thì tiếng Anh lại có phần đơn giản hơn. Tiếng Anh sử dụng hệ thống bảng chữ cái La-tinh thông dụng, không có thanh sắc (tones) như tiếng Việt, tiếng Trung,… Từ vựng tiếng Anh cũng dễ viết và dễ nhớ hơn rất nhiều so với các từ tượng hình trong tiếng Nhật, Hàn, hay Hoa. Trừ khi vị nào đã có “chủng tử gieo sẵn từ tiền kiếp” với chữ tượng hình thì mới cảm thấy dễ học hơn tiếng Anh La-tinh. Ngữ pháp tiếng Anh cũng không có quá nhiều trợ từ mà chủ yếu là sự chuyển hoá giữa các dạng từ loại (danh từ, động từ, tính từ). Ngoaì ra, tiếng Anh có tính logic rất cao, giúp người học có thể tự suy luận ra các cấu trúc một khi đã nắm được kiến thức căn bản.
Nhìn chung, sau khi định hướng con đường tu học, nếu chúng ta tự vạch ra cho mình mục tiêu cụ thể và không ngừng tinh cần học hỏi cũng như trải nghiệm học ngoại ngữ khi nắm được lộ trình học tiếng Anh rõ ràng, việc học tiếng Anh sẽ trở nên dễ dàng và thu hút hơn bao giờ hết. Đặc biệt, tiếng Anh chính là vũ khí mạnh mẽ đối với hàng đệ tử Phật trên con đường thoát khỏi khổ đau vì ngoại ngữ chính là công cụ giúp chúng ta vun bồi pháp học và pháp hành hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
[1] Joseph Simon Theurel, 1829-1868, French, Bishop of Hanoi Diocese 1859-1868. Ke So Church (belonging to Hanoi Diocese) is located in Ha Nam, called the “Basilica”. [Joseph Simon Theurel, 1829-1868, người Pháp, Giám mục Giáo phận Hà Nội 1859-1868. Nhà thờ Kẻ Sở (thuộc Giáo phận Hà Nội) toạ lạc tại Hà Nam, được gọi là “Vương cung Thánh đường”.]
[2] Tom (n.d.). 9 reasons English is the most popular language. (9 lý do tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất.) https://www.ef.com.vn/blog/language/9-ly-do-tieng-anh-la-ngon-ngu-pho-bien-nhat-the-gioi/
[3] How many words are there in English?. (n.d.). https://www.merriam-webster.com/help/faq-how-many-english-words
[4] Phuong Quynh (2021). The world’s top most difficult languages to learn: English is in the effortless group, but Vietnamese? (Top ngôn ngữ khó học nhất thế giới: Tiếng Anh thuộc nhóm dễ, còn Tiếng Việt?) https://kenh14.vn/top-ngon-ngu-kho-hoc-nhat-the-gioi-tieng-anh-thuoc-nhom-de-con-tieng-viet-20210320125618935.chn
Sayalay Vijjāñāṇī (Tue Minh)