VICASA

Nên lận lưng một ít giáo lý căn bản

Rate this post

Chúng ta không thể nào hấp tấp vội vã mong được cái này đắc cái kia khi chúng ta thiếu thời gian chuẩn bị thích hợp. Tôi không tin tưởng tuyệt đối, nghi ngờ những hành giả ĐỜI NÀY. Chữ ĐỜI NÀY viết bằng mực đỏ, không có học giáo lý căn bản mà cứ tu tập đề mục tuệ quán hay là Thiền Chỉ nào đó thì tôi rất là nghi ngờ, vì các vị không có căn bản giáo lý thì các vị biết cái gì mà tu? Các vị đừng có nói với tôi là “học mất thời giờ, tôi chỉ có thiền thôi.”

Tứ niệm xứ là nhận diện bản thân mình, nhận diện những hoạt động của thân và tâm. Hoạt động của thân thì mình biết rồi cầm lên để xuống, cắn, nhai, nuốt, tắm rửa, dùng khăn, mở cửa, tắt đèn, dỡ, bước, đạp, ngồi xuống, đứng lên, sờ, chạm..v..v. Tất cả những hoạt động của thân thì mình còn nhận diện được, nhưng còn những hoạt động của tâm, nhận diện bằng cách nào khi mình không học giáo lý làm sao mình biết cái nào là ngã mạn, phóng dật, tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, hối hận, tật đố, gian lận...v..v. Sẵn đây tôi nói luôn, giáo lý căn bản là học về lộ tâm, lộ sắc, người và cõi, 12 Duyên khởi, 37 Phẩm bồ đề, 24 Duyên hệ, Bất thiện tập yếu. Đại khái giáo lý tứ đế chứ không thể nào mù tịt không biết tứ đế là gì.

Lộ tâm là học để biết rõ cái gọi là tâm. Tâm thức của chúng sanh phàm và thánh, từ lúc mình đầu thai tâm mình diễn tiến ra sao? Rồi khi giây phút đầu đời trở đi trong từng phút tâm tư chúng ta diễn tiến ra sao? Khi mắt thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, rồi khi mình ngồi yên suy nghĩ chuyện này chuyện kia, khi mình sống bằng tâm bất thiện, khi sống bằng tâm thiện, thì cái diễn biến tâm thức của mình nó ra sao? Thế nào là sát na tâm? Thế nào là lộ tâm? Tâm nào có mặt ở cõi nào? Loài nào có được tâm nào? Chứ không phải các loài đều có đủ các tâm giống nhau.Hoặc như con heo, chuột, nó không thể có đủ các tâm của loài người, và loài người không thể có đủ các tâm của Phạm Thiên. Thí dụ như thánh nhân có những cái tâm mà người phàm không có, rồi phàm có những cái tâm mà thánh nhân không có. Đó là học về lộ tâm.

Lộ sắc biết rõ tấm thân bốn đại này ở các loài noãn thai thấp hoá. Noãn tức là sanh ra bằng trứng. Thai tức là sanh ra nguyên con. Thấp là sanh ra trong điều kiện ẩm thấp của thiên nhiên. Hóa là tự nhiên xuất hiện, đột hiện. Cái gọi là thế giới vật chất, tấm thân vật chất ở các loài nó khác nhau như thế nào? Từ lúc nó xuất hiện buổi đầu đời cho đến lúc nó chết, trong thời gian đó tấm thân sinh lý, tấm thân vật chất của mỗi loài lúc nào nó ra sao mình phải biết rõ. Đó gọi là lộ sắc.

Người và cõi tức là mình biết rõ có vô lượng vũ trụ, trong mỗi vũ trụ như vậy nó có 31 cõi. Trong 31 cõi đó nó chia làm 3 phần: dục, sắc và vô sắc. Cõi dục gồm những cõi nào? Cõi sắc gồm những cõi nào? Cõi vô sắc gồm những cõi nào? Ở cõi nào có loại chúng sanh nào? Thí dụ như ở cõi dục thì có những chúng sanh ở cõi sắc không có, học Người cõi là học như vậy.

Học 12 Duyên khởi để thấy rằng đời sống của chúng ta chỉ là sự ghép nối của 6 căn. Lúc thì chúng ta sống bằng nhãn căn, lúc thì nhĩ căn, nhưng có một điều đời sống đó chúng ta sống kiểu gì mà chúng ta tiếp tục tạo ra một đời sống khác. Một vị A La Hán cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi như mình, nhưng khi Ngài tắt thở rồi thì xong, không còn tái sanh nữa. Còn đời sống của mình cũng là 6 căn nhưng mình sống kiểu gì? Bằng tâm gì? Bằng những động cơ nào? Những thúc đẩy nào? Tác động nào? Cũng là đời sống 6 căn, mà hễ 6 căn này nó rụi rồi là bèn có 6 căn khác. Thì đó được gọi là giáo lý duyên khởi hay là 12 nhân duyên.

37 Phẩm bồ đề là biết rõ chúng ta sanh tử là do phiền não, bây giờ chúng ta phải sống ngược lại với phiền não đó bằng cách là trau dồi các thiện pháp đối xứng. Thí dụ như ngày xưa tới giờ mình chỉ biết tham, sân, si, tà kiến, ngã mạn, bỏn xẻn, ganh tỵ, thì bây giờ mình phải tu tập những thiện pháp đối lập lại, đối xứng với những bất thiện đó gồm có: Thất giác chi , Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc. Mình phải học về các pháp thiện, tức là con đường giải thoát. Rồi mình cũng phải học bất thiện thập yếu để mình biết rõ vì đâu mà mình sanh tử, và muốn thoát sanh tử thì mình phải tu tập cái gì? Chứ không phải khơi khơi vô thiền viện rồi thiền sư hướng dẫn kỹ thuật hít thở theo dõi chánh niệm như vậy là đủ.

Tôi xin nói rõ chỗ này, nói thiệt chậm. Thời Phật có cả một tỉ người không cần học giáo lý họ vẫn đắc dễ dàng là vì ít nhất là hai lý do: 1. Những nhân vật dễ dàng đắc chứng họ là ai? Họ đã tu bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp rồi, mình nhắm mình có bì bằng họ không? 2. Người hướng dẫn họ là đức Phật, là các vị thánh tăng, là những vị thánh cư sĩ. Nói chung là các bậc thánh nhân. Khả năng của họ tràn trề thừa mứa, không phải đủ mà là thừa mứa, đã vậy đương sự được sự hướng dẫn toàn là những vị phước báo cao như núi, sâu như biển thì làm sao mình bì với họ được. Cho nên mình đừng dựa vào một hai câu chuyện mấy nhân vật đó rồi mình nghĩ là không cần học giáo lý. 

Tôi chỉ yêu cầu chân thành bà con lận lưng một ít giáo lý căn bản. Còn các vị học thế nào? Học cái gì? Học với ai? Thì chuyện đó của các vị. Khi nào các vị tìm đến tôi là chuyện của tôi. Phải hội đủ những điều kiện này thì chúng ta mới có thể thành tựu được tâm nguyện giải thoát của mình.

Sư Giác Nguyên
Dịch Anh ngữ: Hạnh Đất

VICASA BUDDHISM & EDUCATION​

Your monthly contribution supports our beautiful sangha, its in-depth dharma teachings, supports our in-depth programming and livelihoods of our teachers and supports our teachers and community, while giving assistance for those with financial difficulty.

[give_form id="1006"]