- 1. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là "tu cho tròn đạo làm người", tu không phải là "cố gắng sống tử tế và an vui mỗi ngày", hay "tôn giáo của tôi là sự tử tế” v.v…
- 2. Tu đúng đạo Phật không phải là "… tu theo đạo nào cũng được, vì đạo nào cũng dạy làm lành lánh ác… "
- 3. Tu đúng đạo Phật không phải là để "nhập thế"
- 4. Tu đúng đạo Phật không phải là "học xử lý khổ đau"
- 5. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là "sửa mình"
- ️6. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là "bố thí, trì giới"
- 7. Tu đúng đạo Phật không phải là trì chú, trì giới cấm thủ
- 8. Tu đúng đạo Phật không phải là suốt ngày niệm A di đà theo đạo Tàu để được cứu thoát về cõi trời Tịnh độ
- 9. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là nghiên cứu hoặc thông thuộc giáo lý, kinh điển, viết sách, giảng bài, hý luận
- 10. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là thu thúc lục căn, chánh niệm, tỉnh giác
Chúng ta, người Phật tử đã quy y Tam Bảo, chỉ có một con đường duy nhất TU ĐÚNG theo Pháp tu đúng đắn do chính Đức Phật thực chứng và chỉ dạy. Đó chính là con đường duy nhất dẫn đến mục đích rốt ráo vô sinh, bất tử, tức chấm dứt tái sinh trong khổ đau của sinh tử luân hồi, đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự - Niết bàn: chính là tu tập BÁT THÁNH ĐẠO, hay còn gọi là Đạo Đế: Chân lý về Con Đường dẫn đến Khổ Diệt, bao gồm:
• GIỚI (Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng)
• ĐỊNH (Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định)
• TUỆ (Chánh kiến, Chánh tư duy).
Theo Bát Thánh Đạo thì trước tiên cần phải tu tập GIỚI để trở thành con người trọn vẹn giới đức, trọn vẹn thanh tịnh, đoạn tận phiền não thô thể hiện qua thân, khẩu. Đây chỉ mới là bước tu tập đầu tiên, chỉ mới là nền tảng ban đầu. Đạo Phật không chỉ dạy về đạo đức. Từ nền tảng đạo đức vững chắc GIỚI đó phải tiến thêm một bước nữa là tu tập Tâm (ĐỊNH): tức nhiếp phục tâm, rèn luyện tâm trở thành thanh tịnh, đoạn tận phiền não vi tế thể hiện trong tâm, khiến cho tâm trở lên mềm mại, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, định tĩnh. Khi đó tiến lên một bước nữa, sau khi có ĐỊNH, là tu tập TUỆ sắc bén, xua tan màn đêm vô minh, chặt đứt hoàn toàn mọi gốc rễ ngủ ngầm tham sân si, dẫn đến nhàm chán mọi dục lạc, ly tham, được giải thoát, giải thoát tri kiến.
Bát Thánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định) chính là con đường TU ĐÚNG theo đạo Phật.
1. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là "tu cho tròn đạo làm người", tu không phải là "cố gắng sống tử tế và an vui mỗi ngày", hay "tôn giáo của tôi là sự tử tế” v.v…
Đây không phải là tu theo đạo Phật, mà là tu theo "Đạo làm người", tu với mục đích "Sống tử tế, sống an vui", với mục đích "trốn khổ tìm vui" v. v… của ngoại đạo. Đạo Phật Nguyên thủy không chỉ dừng lại ở việc trở thành người tử tế, từ, bi, hỷ, xả, mà còn hơn thế, hướng đến mục đích cao thượng tột bậc là Giác Ngộ Giải Thoát Chấm Dứt Khổ Đau Trong Sinh Tử Luân Hồi, Đạt Tới Hạnh Phúc Thật Sự, Tự Do Thật Sự - Niết Bàn. Miễn bàn, miễn tranh luận với đệ tử các loại Đạo này, dẫu cho họ có khoác phủ lên mình bất cứ danh hiệu gì.
2. Tu đúng đạo Phật không phải là "… tu theo đạo nào cũng được, vì đạo nào cũng dạy làm lành lánh ác… "
Làm lành lánh ác là điều kiện tối thiểu, bắt buộc ai cũng cần phải tuân theo thì mới có thể có được những điều tốt đẹp trong cuộc sống thế gian. Nhưng tu theo đạo Phật thì không chỉ dừng lại ở việc tu tập có giới hạnh trong sạch như vậy, mà trên căn bản giới hạnh trong sạch cần tiếp tục tu tập vun bồi Định và Tuệ để có thể giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, chấm dứt tái sinh trong luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự Niết bàn. Đó mới chính là con đường duy nhất, đóng góp cao thượng nhất, chỉ có trong đạo Phật. Tu đúng là tu Giới Định Tuệ, con đường Bát Thánh Đạo.
3. Tu đúng đạo Phật không phải là để "nhập thế"
Tất cả mọi chúng sinh đang hiện hữu đều là đang hiện hữu trong thế gian, bị đắm chìm trong dục lạc, bị bao phủ bởi bóng tối vô minh do tham do sân do si, đang ở trong Thế gian sao lại phải Nhập Thế? Những người hô hào khẩu hiệu "đạo Phật Nhập Thế" chỉ là những phàm nhân hạ liệt, bị thối hỏng cả đường đời và đường Đạo, chưa từng nếm trải hương vị giải thoát Xuất thế gian, chỉ hô hào nhằm nguỵ biện, che đậy pháp học pháp hành của bản thân trái Giới Luật, phạm Giới Luật, trái ngược với lời Đức Phật, bậc Đạo sư chỉ dạy Con Đường Bát Thánh Đạo dẫn đến mục đích Xuất Thế Gian rốt ráo, cứu cánh Niết bàn, giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự - Niết bàn.
4. Tu đúng đạo Phật không phải là "học xử lý khổ đau"
Hoàn toàn trái ngược với Chân lý do đức Phật chỉ bày trong Tứ Thánh Đế: "Khổ đau" là chân lý, là sự thật không thay đổi dù thấy hay không thấy, dù thừa nhận hay không thừa nhận, dù trốn tránh hay không trốn tránh. Vì đó là Chân lý nên không thể "học xử lý" nó, không thể bẻ cong, không thể đẽo gọt cho hợp với trí tuệ hiểu biết nông cạn sai lạc của bản thân, mà chỉ có thể bằng con đường tu tập Bát Thánh Đạo để có thể liễu tri nó, đoạn tận gốc rễ của khổ đau là tham ái, vô minh bằng trí tuệ (Đạo Tuệ). Không thể "học xử lý khổ đau" theo kiểu "chuyển hóa khổ đau", trốn khổ tìm vui: tìm kiếm, bám víu vào an vui tạm bợ thế gian chỉ mang lại kết quả là mãi mãi khổ đau trong sinh tử luân hồi - trái với pháp tu Giới Định Tuệ (tức Bát Thánh Đạo) của đức Phật đã tự thực chứng và truyền dạy giúp chư thiên và loài người giác ngộ giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự - Niết Bàn.
5. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là "sửa mình"
Mơ hồ về mục đích rốt ráo của đời sống phạm hạnh theo con đường do đức Phật đã chỉ dạy, mơ hồ về các pháp thực hành Giới: không rõ "sửa mình" theo tiêu chuẩn nào, để đạt được mục tiêu rốt ráo là gì, thiếu tu tập Định, thiếu tu tập Tuệ hướng tới giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau phiền não.
️6. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là "bố thí, trì giới"
Đây mới chỉ là tu phước, cầu phước. Thiếu tu Định, tu Tuệ, thiếu hướng tới giác ngộ giải thoát. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là gõ mõ, tụng kinh. Tâm có thể có chút yên tĩnh, nhưng thiếu pháp hành Giới, hành Định, hành Tuệ, không thể giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự - Niết bàn.
7. Tu đúng đạo Phật không phải là trì chú, trì giới cấm thủ
Đây là những pháp tu hành của ngoại đạo nhằm đạt tới một số năng lực siêu nhiên, thần thông, khi thân hoại mạng chung thần thông đều hoại diệt, vẫn tiếp tục tái sinh chịu khổ đau phiền não của luân hồi sinh tử trong lục đạo tam giới. Không phải là con đường tu tập đúng đắn theo Bát Thánh Đạo dẫn đến chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn khổ đau trong luân hồi do đức Phật chỉ dạy.
8. Tu đúng đạo Phật không phải là suốt ngày niệm A di đà theo đạo Tàu để được cứu thoát về cõi trời Tịnh độ
Tái sinh trong thiên giới Cực lạc chưa phải là giải thoát, vẫn phải tử, sinh luân hồi trong khổ đau. Đây không phải lời dạy do đức Phật Gotama (Thích Ca Mâu Ni) trao truyền. Theo đạo Tàu, A di đà là vị bồ tát nguyện sẽ thành Phật, chỉ mới có trong tài liệu được viết ra sau này, không phải là nhân vật lịch sử, không có Giáo Pháp, không có Tăng đoàn, không có dấu vết ghi lại trong kinh điển Tam Tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy Theravada.
9. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là nghiên cứu hoặc thông thuộc giáo lý, kinh điển, viết sách, giảng bài, hý luận
Thông thuộc giáo lý, kinh điển chỉ là trí nhớ về tri kiến của người khác, thiếu pháp hành Giới, Định, Tuệ: chỉ thông thạo đơn thuốc đâu có chữa khỏi bệnh, chỉ thuộc lòng bản đồ đâu có tới được đích.
10. Tu đúng đạo Phật không phải chỉ là thu thúc lục căn, chánh niệm, tỉnh giác
Đây chỉ mới là giai đoạn đầu trong tu tập. Nếu thiếu vun bồi Giới, thiếu tu tập Định không thể đạt Tuệ Giải Thoát.
Bhikkhu Viên Phúc
Dịch Anh ngữ: Brenna (Viên Châu)