Theravāda là gì?
Theravāda (Pali: thera "trưởng lão" + vāda “lời dạy”) có nghĩa “lời dạy của các bậc trưởng lão”. Phật giáo Theravāda còn được biết đến với các tên gọi: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Nam tông, Phật giáo Nam truyền, Thượng Tọa Bộ, tức truyền thống Phật giáo mà các bậc Đại Trưởng Lão và các Trưởng Lão cố gắng gìn giữ, duy trì Chánh Pháp nguyên thủy, một cách thuần khiết, đầy đủ và không rời rạc, do chính đức Phật Gotama đã chỉ dạy cách đây hơn 2600 năm. Theravada chỉ cho hệ thống giáo lý Phật giáo xuất phát từ Tam tạng kinh điển Pali, được các học giả đồng thuận về bản ghi chép sớm nhất về lời dạy của Đức Phật.[1] Theravāda là tên gọi phổ biến của trường phái Phật giáo lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay.[2] Những người theo trường phái này gọi là Theravādins, đã bảo tồn nguyên thuỷ giáo pháp của Đức Phật Gautama trong Kinh điển Pāli qua hơn hai thiên niên kỷ.
Chính đức Phật, “Bậc giác ngộ hoàn toàn”, đã chỉ ra tôn giáo mà Ngài khai sáng gồm Dhamma và Vinaya, “pháp và luật”, hai nền tảng căn bản của hệ thống giáo lý về giới hạnh và tâm linh mà Ngài đã thuyết giảng. Để mang lại một đoàn thể minh chứng cho việc thực hành Pháp - Luật và bảo tồn kinh điển Pāli cho thế hệ sau, đức Thế Tôn đã thành lập Tăng đoàn, bộ phận tồn tại cho đến ngày nay để hoằng truyền giáo pháp cho thế hệ tiếp nối tăng ni và cư sĩ.
Lịch sử
Dòng truyền thừa Phật giáo Theravāda bắt nguồn từ trường phái Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajjavāda), một bộ phái khởi sinh trong Thượng toạ bộ (Sthāvira nikāya)—một trong hai nhánh chính xuất hiện sau cuộc ly giáo đầu tiên trong Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ. Phật giáo Nguyên Thủy bắt nguồn từ Đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba khi vị thánh Trưởng lão Moggaliputta-Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu) biên soạn Kathavatthu (Bộ Ngữ tông), một tác phẩm quan trọng xác định quan điểm giáo lý Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajjavāda).[3]
Phật giáo Theravāda bắt đầu thành lập ở Sri Lanka từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Kinh tạng Pāli được biên soạn ở Sri Lanka, sau đó hệ thống chú giải của hệ phái này được truyền bá khắp nơi. Từ Sri Lanka, hệ phái chính thống Thượng toạ bộ (Theravāda Mahāvihāra) sau đó đã được lan rộng đến Đông Nam Á.[4]
Trải qua hàng thế kỷ, Phật giáo Nguyên thủy là hệ phái chính thức và chiếm ưu thế trong lục địa Đông Nam Á (Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia) và Sri Lanka. Các nhóm thiểu số ở Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Bắc Triều Tiên, Philippines, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc cũng học và thực hành giáo lý của hệ phái này. Cộng đồng hải ngoại của các nhóm này cùng với những người cải đạo trên toàn thế giới cũng đón nhận và áp dụng Phật giáo Nguyên thủy. Ngày nay, số lượng Phật tử Nguyên thủy ngày càng tăng trên khắp thế giới. Trong vài thập kỷ qua, truyền thống Nguyên thủy đã bắt đầu bén rễ ở phương Tây và sự phục hưng của Phật giáo ở Ấn Độ.
Kinh tạng Pāli
Kinh điển Pāli là bộ giáo lý Phật giáo đầy đủ nhất được soạn thảo lại bằng tiếng Pāli - ngôn ngữ cổ của Ấn Độ và được coi là ngôn ngữ thiêng liêng của trường phái này. Theravāda có xu hướng nghiêm khắc trong hai tạng đầu— Pháp (pariyatti) và Luật (vinaya)—ngược lại với Bắc tông (Mahāyāna) và Kim Cương thừa (Vajrayāna).[4] Theo Kate Crosby, đối với Theravāda, Tipiṭaka (Tam Tạng) trong tiếng Pāli biểu thị "quyền cao nhất về những gì hợp thành Pháp (chân lý hay lời dạy của đức Phật) và Tăng đoàn (cộng đồng tăng ni)."[5]
Pāli, ngôn ngữ dùng trong Tam tạng, là ngôn ngữ Ấn Độ trung đại, đã trở thành ngôn ngữ tôn giáo và học thuật chính trong Phật giáo Nguyên Thủy.
Ngôn ngữ này phát triển từ các phương ngữ khác nhau của Ấn Độ nhưng không giống với ngôn ngữ cổ của Magadha mặc dù có liên quan.[6] Đặc biệt, Theravāda là một trong những truyền thống Phật giáo đầu tiên ghi chép Tam Tạng (Tipiṭaka).[7] Bản Tipiṭaka được khôi phục và vẫn còn tồn tại đến ngày nay thuộc trường phái Thượng toạ bộ ở Sri Lanka (Mahavihara Sri Lanka). Bộ Tipiṭaka có nhiều phiên bản khác nhau, một số kết hợp giữa ấn bản hiện đại cơ bản với ấn bản của Hội Văn bản Pali được xuất bản bằng chữ La Mã, và ấn bản của Đại hội kết tập kinh điển lần thứ sáu tại Miến Điện được xuất bản bằng chữ Miến Điện. Kinh điển Pāli gồm ba tạng: Tạng Luật, Tạng Kinh và Tạng Vi Diệu Pháp. Truyền thống Theravāda giữ quan điểm giáo lý rằng Tạng Vi Diệu Pháp do chính đức Phật thuyết giảng.[8]
Chú thích:
Kathāvatthu là bộ thứ năm trong bảy bộ của Tạng Thắng pháp (Abhidhammapiṭaka)
Tài liệu tham khảo
[1] Swearer, D. K. (2006). Buddhist Religions: A Historical Introduction. By Richard H. Robinson, Willard L. Johnson, and Thanissaro Bhikkhu (Geoffrey DeGraff). Wadsworth/Thomson, 2004.
[2] Gyatso, Tenzin (2005), Bodhi, Bhikkhu (ed.), In the Buddha’s Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon, Somerville, Massachusetts: Wisdom Publications.
[3] Berkwitz, Stephen C. (2012). South Asian Buddhism: A Survey, Routledge, pp. 44-45.
[4] Prebish, Charles S. (1975), Buddhism – a modern perspective, University Park: Pennsylvania State University Press.
[5] Crosby, Kate (2013), Theravada Buddhism: Continuity, Diversity, and Identity, p. 2.
[6] Norman, Kenneth Roy (1983). Pali Literature. Wiesbaden: Otto Harrassowitz. pp. 2–3.
[7] Harvey, Introduction to Buddhism, Cambridge University Press, 1990, p. 3.
[8] James P. McDermott, Encyclopedia of Indian Philosophies, Volume VII: Abhidharma Buddhism to 150 A.D. p. 80.
Sayalay Vijjāñāṇī (Tue Minh)