Nắm được Bí Quyết Học Ngoại Ngữ Hiệu Quả sẽ tiết kiệm thời gian và tạo động lực cho người học hiệu quả hơn thay vì dễ chán nản và bỏ cuộc.
1. Học từ vựng, cụm và câu
Đối với học viên mới bắt đầu, quý vị chỉ nên chú trọng nạp TỪ VỰNG mỗi ngày, sau đó học lên CỤM TỪ, và cuối cùng là học CÂU. Không nên học nhồi nhét cả ba ở giai đoạn đầu vì học như vậy não sẽ dễ nản và bỏ cuộc.
2. Hiểu rõ chức năng của não
Não một người bình thường cần ít nhất vài năm học cật lực một ngôn ngữ để có thể thành thạo bốn kỹ năng. Chúng ta có thể tự kiểm chứng não của mình thuộc loại thông minh hay “cá vàng” để có định hướng đúng đắn trong việc học ngoại ngữ. Nếu có chủng tử tiếng Anh hoặc não nhanh nhạy thì chúng ta học từ vựng sẽ rất nhanh nhớ và lưu lại ngay vào bộ nhớ dài hạn để có thể sử dụng bất cứ khi nào cần. Nhưng nhiều vị rõ ràng não cá vàng và chưa hiểu quy trình thật sự của việc học nên chưa dành thời gian nghiêm túc để cày.
Thay vào đó, họ đi tìm hết phương pháp này tới phương pháp nọ, từ trung tâm nọ đến trung tâm kia. Có khi lên mạng tìm hiểu và mày mò để tải tài liệu về máy rất nhiều vì ban đầu cũng thấy thích thú và đam mê. Nhưng sau một thời gian cũng bỏ bê đó vì ngán ngẩm và tụt mood như: "Ôi nhiều từ vựng quá... Nhiều từ mới quá... Sao càng học càng rối thế này? Sao mình cứ học hoài mà không nhớ hết được?..." Xong cũng để chúng qua một bên vì nhiều tài liệu quá không biết bắt đầu từ đâu.
3. Áp dụng phương pháp nhớ cách quãng
Lý do vì chúng ta chưa thật sự hiểu về nguyên lý của việc học và chưa hiểu chức năng não bộ chính mình. Theo khoa học nghiên cứu, khi não chúng ta tiếp xúc với một từ mới sẽ cần số lần tiếp xúc nhất định mới được ghi vào bộ nhớ ngắn hạn hay dài hạn. Một phương pháp học hữu hiệu là Spaced Repetition - Phương pháp học lặp lại ngắt quãng - đã được khoa học nghiên cứu để áp dụng đưa kiến thức từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Vì sau một khoảng thời gian thu nạp, kiến thức sẽ nằm thụ động một chỗ, nên chúng ta cần thêm thời gian để vận dụng thực tế nhiều lần thì kiến thức sẽ được lưu trữ vào bộ nhớ dài hạn. Chưa kể học nhồi nhét quá mà không biết cách tự tạo động lực hay cân bằng, nên não chúng ta sẽ bị quá tải và sinh chán nản.
4. Không cần tìm môi trường lý tưởng
Nhiều người cho rằng học tiếng Anh thì phải tìm môi trường, hoặc đi ngoại quốc hoặc đến các nước nói tiếng Anh. Đây chỉ là lý do cho thử thách kiên trì bản thân khi chúng ta chưa đầu tư đủ thời gian và nỗ lực mà đa số người học tiếng Anh đều trải qua. Chúng ta cần xem xét mình đang ở trình độ nào để tránh chạy theo tư tưởng đám đông.
Đối với những vị có điều kiện học kèm hoặc học trực tiếp giáo viên bản ngữ thì quá tốt. Còn những ai không đủ khả năng thì phải đánh đổi bằng sự kiên trì của mình. Chúng ta có thể tự học thông qua rất nhiều nguồn tài liệu có sẵn và hữu ích trên mạng hay từ bạn bè chia sẻ. Quan trọng hơn, chúng ta cần hiểu rằng, nếu chưa nạp đủ vốn từ vựng căn bản và tự tin giao tiếp thì dù tham gia vào môi trường quốc tế cũng không thể thoải mái trao đổi kiến thức vì sự giới hạn của tâm lý e thẹn ngại ngùng.
Môi trường lý tưởng nhất để tiết kiệm chi phí là tự học ngay tại Việt Nam với vô số công cụ học online miễn phí và cứ bền bỉ chắt lọc từ từ, không cần vội. Thời nay dựa trên giá trị và lợi ích của công nghệ 4.0 hiện đại, chỉ cần học tiếng Anh dễ dàng qua một cú nhấp chuột. Chúng ta nên thật sự thức tỉnh, môi trường học chỉ có ở Việt Nam là tiện lợi nhất cho người hạn chế tài chính. Khi trang bị vũ khí đầy đủ, chúng ta mới có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả.
5. Đầu tư học tập dài hạn
Hơn nữa, không thể nào có chuyện giao tiếp được tiếng Anh sau khi học 3-6 tháng hay chỉ qua vài khoá học nào đó. Ngay cả giai đoạn học phát âm đầu tiên để có thể phát âm đúng thì cũng phải mất ít nhất vài tháng đầu tư thời gian nghiêm túc. Do đó, chúng ta cần xác định tư tưởng rõ ràng, hạn chế tài chính thì chỉ cần cắm đầu cày. Dù có đóng học phí cũng chỉ là sự đánh đổi để có được từng động lực vì tiếc học phí đã đóng mà cố gắng.
6. Tự tạo động lực
Nhiều khi chúng ta tưởng chừng đã bỏ cuộc, nhưng hãy nghĩ đến mục tiêu đã ghim phía trước sẽ không cho phép bản thân dừng lại. Chúng ta cũng thấy rõ ràng, ngay cả việc học tiếng Anh đơn giản như vậy vì bao nhiêu người họ làm được thì tại sao mình không làm được, thì những mục tiêu lớn hơn trong cuộc sống mình bước đi như thế nào. Hay đối với tu sĩ thì tiến trình giải thoát giác ngộ biết bao giờ mình mới chạm tới? Rồi bao nhiêu kiến thức mới và chân trời mới đang chờ đợi chúng ta mở từng cánh cửa khám phá. Bởi khi biết thêm ngôn ngữ, đồng nghĩa não chúng ta sẽ tăng trưởng khả năng tư duy nhanh nhạy và không dễ tin ngay vào những thông tin chưa xác thực.
Thêm nữa, chúng ta có thể nghĩ đến thế hệ tương lai rất xuất chúng khi sống trong thế giới khoa học ngày càng trở nên tinh vi và hiện đại, nên chúng ta - hàng tiền bối ngay từ khi còn trẻ - không trang bị cho mình nguồn kiến thức chất lượng thì có thể sẽ bị chế giễu và không có nhiều đóng góp cho xã hội. Chưa kể có nhiều vị trang bị bằng cấp các loại nhưng kiến thức bị hổng nên không thể sử dụng hiệu quả. Như vậy, chỉ cần thành thạo tiếng Anh thì bao nhiêu cơ hội tươi sáng phía trước đang đón chờ chúng ta.
Tựu chung lại, đa phần học viên mới đều trải qua những giai đoạn tâm lý trên, nên sau khi hiểu ra vấn đề thì không nên quá lo lắng. Đây cũng được xem là trải nghiệm và kinh nghiệm chung trong việc học mọi ngôn ngữ. Như vậy, hãy xác định mục tiêu vững chắc ngay từ đầu, học để làm gì thì chỉ cần mạnh dạn bước tiếp, bền bỉ và liên tục. Khi nào mất tinh thần thì hãy thoải mái cho phép cơ thể nghỉ ngơi rồi tiếp tục trở lại việc học. Do đó, mỗi ngày chúng ta cần phải huấn luyện não của mình với những tư tưởng như vậy thì bản thân sẽ tự khắc tinh cần nỗ lực.
Những ai thành công trong việc học ngoại ngữ chỉ có một bí kíp duy nhất: kiên trì khổ luyện
Sayalay Vijjāñāṇī (Tue Minh)