Khó có một ngôn ngữ nào có thể chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa của Phật pháp hơn là Pāḷi. Tính tương hợp[1] , tính đa nghĩa[2] , đồng nghĩa[3], gần nghĩa[4] và cấu trúc khác[5] của từng loại văn phạm khác nhau cũng có thể làm cho việc hiểu lệch ý chính văn xảy ra. Thêm vào đó, ngôn ngữ dịch thuật bị phụ thuộc nhiều vào thời đại và mục đích[6] riêng. Ngoài ra, việc chuyển phiên dịch qua các ngôn ngữ trung gian sẽ làm ý nghĩa ban đầu mất dần đi sự trọn vẹn. Với những lý do này, sẽ là một thiếu sót nghiêm trọng cho những người học Phật nếu chỉ đọc được bản dịch mà không tiếp xúc được với lời văn Pāḷi. Có thể nói, văn phạm Pāḷi không chỉ quan trọng trong việc dịch thuật mà còn là không thể thiếu được trong việc tìm hiểu ý nghĩa của lời giáo điển.
1. Nghĩa là khái niệm này có được diễn tả bằng ngôn ngữ kia hay không.
2. Cùng một chữ có thể có một hay một vài nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh.
3. Nhiều từ cùng chỉ về một khái niệm.
4. Những từ diễn tả các khái niệm gần giống hay tương tự nhau, dễ gây hiểu lầm.
5. Ở đây chỉ cho các tính chất văn phạm khác như tánh, số, thể cách, cách chia thì, cách hành văn, cách chia đoạn...
6. Như phục vụ đại chúng, nghi lễ, nghiên cứu...
(Giáo trình Pāḷi, HT. Minh Châu)