VICASA

Nghề làm cha mẹ

Rate this post

Theo Mạnh Tử “nhân chi sơ tính bản thiện”. Ngược lại, Tuân Tử cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác”. Trước đây Tây Âu cho rằng trẻ em là một tờ giấy trắng, chúng sẽ là tác phẩm hay hoặc dở đều phụ thuộc vào những gì bạn viết lên trang giấy ấy. Qua nhiều nghiên cứu gần đây phân tâm học cho rằng trẻ con là một thế giới hoàn chỉnh, nó tồn tại song song với người lớn. Con người bản chất không hoàn toàn thiện hay ác. Vậy cha mẹ, nhà trường nên làm gì để những tác động của ta không gây tổn thương cho trẻ?

Trước hết cha mẹ có dám nhìn thẳng vào sự thật, dám thừa nhận là mình có chút gì áp đặt, so bì hoặc chưa chấp nhận sự khác biệt của con? Trẻ em chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ gia đình, có khi nào bạn tự hỏi xem những điều mình đang làm thực sự là vì con hay để thỏa mãn sĩ diện của bạn? Cha mẹ đã chịu lắng nghe, quan sát để tìm hiểu con chưa? Mà cha mẹ cũng nhanh quên nữa, cha mẹ thử nhớ lại ngày xưa xem, đừng nói là cha mẹ chưa từng nghịch ngợm hay muốn khẳng định cá tính.

Cha mẹ muốn con ham học, nhưng chính mình toàn làm việc vô bổ như lướt điện thoại, xem tivi, đọc tin tức nhảm… Thậm chí có nhà để con bớt nghịch nên cho xem ipad thỏa thích, khi ăn cơm thì ai nấy cắm mặt vào cái điện thoại dẫn tới việc con nghiện games. Sự đứt gãy trong giao tiếp gia đình này nguy hiểm hết sức, vô hình chung nó sẽ tạo khoảng cách ngày càng xa giữa cha mẹ và con cái. Không những thế, việc xem ipad nhiều như vậy còn làm nghèo nàn trí tưởng tượng, tính sáng tạo của trẻ. Thay vì thế cha mẹ hãy cho trẻ đọc sách nhiều hơn. Khi đọc sách ( đặc biệt là sách chữ ) bộ não của trẻ được kích thích tốt hơn, trí tưởng tượng sẽ phong phú hơn. Ngoài ra nên cho trẻ gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn.

Nhà trường cũng tác động đến trẻ rất nhiều. Chính những người Thầy, người Cô càng học cao thì càng cần phải can đảm hơn trong tư duy và hành động. Thầy Cô cần chấp nhận sự khác biệt của mỗi trò. Giáo dục đích thực là tạo ra các cá nhân chứ không phải làm nên những con người chức năng.

Học trước hết là để sống đã, trẻ em cần phải có kỹ năng sinh tồn và biết cách chung sống với mọi người. Có nhiều bạn là teenager mà chưa biết nấu cơm, giặt đồ, dọn nhà, cha mẹ vẫn đưa đón đi học… Sớm hay muộn, con bạn cũng phải tự lập. Bà Montessori nói, năng lực tự lập là tài sản quý giá và duy nhất cha mẹ có thể và phải nên trang bị cho con. Suy rộng ra, câu nói ấy có nghĩa là: Bạn không cho con tập tành tự lập, tự giác, bạn là bậc phụ huynh thất bại.

Xã hội ở các nước phát triển có tầng lớp tinh hoa, những người trong giới này có nhiều ảnh hưởng đến chính phủ. Ở Việt Nam mới chỉ có tầng lớp giàu và giới này thì vẫn chịu sự chi phối của nhà cầm quyền. Và ở các nước tiến bộ trường học được thành lập phải do một nhà tư tưởng lỗi lạc phụ trách, còn trường học ở VN nhìn kỹ thì đa phần là kinh doanh giáo dục.

Người Việt còn đang bị nhiễu loạn giá trị. Chúng ta đang sống trong thế giới ngập tràn thông tin mà người Việt thì thiếu nền tảng kiến thức để phân biệt được đâu là chân giá trị thực. Nghe đến đây Nhung nhớ cụ Thu Giang từng bảo: chúng ta có mắt mà không biết nhìn, có tai mà không biết nghe, chỉ biết nhìn theo cái thấy của kẻ khác, nghe theo cái nghe của kẻ khác.

Đừng để con bạn chỉ biết kiếm tiền mà trong đầu là một mớ tri thức bị bóp méo, văn hóa thì què quặt. Giải pháp tốt nhất để bù lấp những khiếm khuyết giáo dục xã hội của ta hiện nay là cần chú trọng vào giáo dục gia đình. Các cha mẹ hãy đồng hành, quan sát, dẫn dắt và dạy con trong tỉnh thức, muốn tỉnh thức thì cần có hiểu biết, muốn hiểu biết thì phải không ngừng đọc và học để nâng cấp chính mình.

Trên đây là những gì Nhung thu hoạch được từ buổi Parenting Workshop ngày 08.05.2022 do hội ELYH tổ chức. Thực sự hữu ích, dù bạn chưa hay đang làm cha mẹ. Để tổng kết lại Nhung xin trích lời thầy Sang Đỗ: Thực ra, dạy con trở thành người CÓ ÍCH và HẠNH PHÚC không vất vả và phức tạp như chúng ta tưởng. Cái khó của nó chính là tu chỉnh bản thân để nâng tầm đạo lực và trí lực. Khi có tầm rồi, mọi việc sẽ trở nên cực nhàn nhã.

ELYH – English light your home

VICASA BUDDHISM & EDUCATION​

Your monthly contribution supports our beautiful sangha, its in-depth dharma teachings, supports our in-depth programming and livelihoods of our teachers and supports our teachers and community, while giving assistance for those with financial difficulty.

[give_form id="1006"]