VICASA

Kiến thức - Trải nghiệm - Kinh nghiệm - Thấu cảm

Rate this post

Bất cứ ai lựa chọn làm điều gì cũng đều có lý do riêng. Lý do đó dựa theo kiến thức hiểu biết và trải nghiệm của họ ngay tại thời điểm đưa ra quyết định. Do đó, chúng ta cần không ngừng trau dồi học hỏi để vun bồi kiến thức và trải nghiệm để tích luỹ kinh nghiệm. Trong vòng luân hồi, ai cũng phải tự nếm trải để rút cho cho mình từng bài học sâu sắc thì mới có kinh nghiệm để đi đến lựa chọn đúng đắn. Có người đã từng trải qua nhiều đau thương từ quá khứ, nên may mắn hơn, họ có thể sáng suốt ở hiện tại nhờ có kiến thức, cần mẫn trải nghiệm và biết rút kinh nghiệm.

Khi còn đối diện với bài học trải nghiệm tức chúng ta vẫn còn vô minh và phải bền bỉ học hỏi hơn để góp nhặt thêm nhiều kinh nghiệm. Do đó, kinh nghiệm có được nhờ trải qua nhiều lần sai mới dẫn đến đúng. Nên chúng ta đừng quá đặt nặng đúng sai, thay vào đó, hãy chú trọng vào việc kham nhẫn và kiên trì trải nghiệm bằng hiểu biết và chánh niệm để dần giảm thiểu sai trái. Đây chính là đường lối tu tập chánh kiến theo Phật giáo.

Chúng ta hay cho rằng, quyết định của mình mới hợp lý, và thắc mắc tại sao người khác lại lựa chọn một cách thiếu hiểu biết như vậy trong trường hợp nào đó hoặc khi chúng ta đưa ra lời khuyên. Nhưng theo lời Phật dạy, mọi thứ đều phải vận hành theo nhân, duyên, nghiệp, quả của nó. Vì thế, khả năng hiểu biết và kinh nghiệm của họ đến đâu sẽ khiến họ đưa ra sự lựa chọn tương ứng với trải nghiệm bản thân.

Có những người đã đủ nếm trải nên khi nghe lời khuyên hữu ích, họ có thể ngay lập tức tán thành và thực hiện. Tuy nhiên, với ai chưa từng trải, họ sẽ cảm thấy khó tin vào lời khuyên vì có lẽ họ cần thêm trải nghiệm thực tế. Hoặc đối với người bản lĩnh, họ chỉ tin tưởng vào trải nghiệm bản thân và khó chấp nhận lời khuyên, bởi lẽ họ thường thích khám phá điều mới mẻ và mạo hiểm để tự mình học ra bài học và vững chãi hơn thay vì chỉ cần lắng nghe từ người khác. Như vậy, không quan trọng họ là người biết lắng nghe hay không, chỉ khi có năng lực nhìn nhận và thấu suốt bài học của mình để hiểu rõ bản thân đang cần gì, chúng ta mới dần tích luỹ kinh nghiệm để tiến bộ hơn.

Quan trọng nhất, khi thật sự nắm được lời Phật dạy về tâm XẢ trong tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), “mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng của họ”, thì dưới góc độ của người từng trải, chúng ta mới có năng lực cảm thông, bàng quang (XẢ), không dính mắc hay phản ứng khó chịu với bất cứ sự lựa chọn nào của chúng sanh. Nếu có thể, chúng ta hãy thầm lặng dõi theo và động viên khích lệ họ vào những thời điểm phù hợp.

Nhiều người cũng vì tác ý tốt, muốn bạn bè hay người thân mình đưa ra lựa chọn tối ưu để tránh dẫn đến hệ luỵ. Nhưng nếu chúng ta đã khuyên một vài lần mà họ không lắng nghe, hãy ngầm hiểu rằng họ cần trải nghiệm đau thương thêm để tự học ra bài học. Bởi lẽ theo nhân quả, mỗi chúng sanh phải chịu trách nhiệm với biệt nghiệp của mình mà không ai có thể can dự. Trong trường hợp như vậy, phận sự của chúng ta là XẢ (hiểu rằng mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng của họ) để tránh tạo thêm bất thiện nghiệp (S N) khi khuyên họ không có kết quả và nặng hơn nữa là dẫn đến hư hại hay phá vỡ mối quan hệ.

Hơn nữa, khi bản thân đã từng trải qua đau khổ bầm dập như thế nào để có thể học ra được bài học và giác ngộ sẽ đỡ dính mắc khi thấy người khác cũng rơi vào hoàn cảnh khổ đau như mình. Khi đó, ta ngầm hiểu rằng mỗi chúng sanh cũng cần phải trải qua đau khổ để giác ngộ là hoàn toàn phù hợp với Khổ thánh đế đầu tiên của Phật dạy. Ta mới có thể bình thản mà xả ly và không dính mắc.

Lưu ý, chúng ta cần hiểu rõ động cơ tại sao bản thân lại phản ứng khó chịu (S N) khi người khác không lắng nghe mình. Có phải vì chúng ta thương mến họ, nên dính mắc vào họ (THAM), và không muốn nhìn thấy họ khổ đau, nên mới đưa ra lời khuyên. Nhưng đến khi họ không làm theo lời khuyên, chúng ta lại cảm thấy không thoải mái (S N). Rõ ràng, khi chúng ta THAM thất bại thì sẽ chuyển thành S N, và dĩ nhiên động cơ chính là vô minh (SI) thúc đẩy. Vì vô minh, chúng ta không hiểu sự thật rằng, mọi khổ đau đều do chính bản thân tạo ra, bởi nghiệp của mình chi phối mình, chứ không phải do yếu tố bên ngoài.

Bên cạnh đó, chúng ta cần chấp nhận sự thật rằng, khi chưa thành thánh nhân, cuộc sống của tất cả chúng sanh phàm phu đều bị chi phối bởi THAM – S N – SI. Vì thế, khi hiểu rõ cơ chế của chúng vận hành như vậy, chúng ta mới có thể sống chân thật với bản thân và tinh cần thực hành chánh niệm để giảm tham – sân – si. Từ đó, chúng ta sẽ vun bồi năng lực thấu hiểu mình cũng như thấu hiểu người khác và hãy học cách thương yêu không dính mắc, vì từ bi chỉ xuất phát khi có hiểu biết.

Tóm lại, mỗi người đều có mục đích và quan điểm riêng tuỳ vào hạnh nguyện bản thân, dẫn đến KIẾN THỨC - TRẢI NGHIỆM - KINH NGHIỆM từng cá nhân đều khác nhau. Nên chúng ta hãy tôn trọng nhau trên tinh thần hoà hợp, để THẤU CẢM nhau, thay vì hoà tan. Do đó, nếu là người hiểu biết, từng trải và va vấp nhiều, chúng ta hãy biết ơn những ai đã từng đồng hành và kham nhẫn để ta học ra bài học vô giá. Đồng thời, chúng ta cũng nên dùng kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân để hướng đến mục tiêu cuối cùng là cảm thông với người khác, những ai đang trên tiến trình học hỏi và trải nghiệm, thay vì chỉ trích và kiểm soát, để tránh làm tổn thương nhau, vì từ bi chỉ xuất phát thật sự khi chúng ta có trí tuệ.

  • Thấu cảm: khả năng đồng cảm, thấu hiểu cảm xúc, tâm trạng của người khác thông qua việc đặt mình vào vị trí của đối phương để cảm nhận.
  • Tâm từ: thương yêu và tử tế với bản thân và người khác
  • Tâm bi: sự đồng cảm mạnh mẽ đối với chúng sanh đang đau khổ và mong muốn giúp đỡ họ.

(Từ điển)

Sayalay Vijjāñāṇī  (Tue Minh)

VICASA BUDDHISM & EDUCATION​

Your monthly contribution supports our beautiful sangha, its in-depth dharma teachings, supports our in-depth programming and livelihoods of our teachers and supports our teachers and community, while giving assistance for those with financial difficulty.

[give_form id="1006"]