Không có con đường nào dẫn đến thành công trải đầy hoa hồng.
Để thành thạo một ngôn ngữ, người học cần trải qua ba giai đoạn chính không thể thiếu:
Đầu tiên là giai đoạn FOUNDATION (Nền tảng), gồm Pronunciation (Phát âm), Vocabulary (Từ vựng), Grammar (Ngữ pháp). Giai đoạn nền tảng này được xem là cơ sở gốc rễ cho giai đoạn thứ hai—quá trình tiếp thu SKILLS (Kỹ năng): Listening (Nghe), Reading (Đọc), Speaking (Nói), Writing (Viết). Người học sẽ không tích lũy được các kỹ năng này nếu không trang bị vững chắc giai đoạn nền tảng đầu tiên. Cuối cùng, sau khi đã xây dựng kiến thức ổn định ở hai giai đoạn đầu, người học sẽ thử thách bản thân với giai đoạn PROFICIENCY (Thành thạo): Translation (Biên dịch) và Interpreting (Phiên dịch), vì đây là giai đoạn đỉnh cao của quá trình học ngôn ngữ.
A. FOUNDATION (Nền tảng)
Muốn thành thạo tiếng Anh, người học cần trau dồi input (Listening + Reading) để có kỹ năng output tương ứng Speaking và Writing nhằm diễn đạt điều bản thân muốn truyền tải. Trong giai đoạn nền tảng của PHÁT ÂM, TỪ VỰNG, NGỮ PHÁP, hãy học theo thứ tự Phát âm trước để tiết kiệm thời gian. Nhờ vững phát âm căn bản nên khi chuyển sang bước tiếp theo, học từ vựng, học viên có thể phát âm đúng từ đã học. Chính phát âm là yếu tố tiền đề cùng với từ vựng và ngữ pháp để tạo ra output Speaking.
Chắc chắn trong quá trình học phát âm sẽ đi kèm từ vựng nên hãy chú trọng nạp nhiều từ vựng trong bước tiếp theo để chuẩn bị từng viên gạch cho việc xây dựng nền tảng cốt lõi. Cuối cùng trong giai đoạn nền tảng là học ngữ pháp, vì nếu không có vốn từ vựng thì sẽ khó xây dựng câu hoàn chỉnh.
Từ vựng và ngữ pháp sẽ là yếu tố tiền đề chính để tạo ra output Reading. Nếu chỉ học từ vựng + ngữ pháp thì chỉ cho ra kết quả Reading + Writing. Tuy nhiên, để Speaking thành thạo thì yêu cầu phải vững cả phát âm, từ vựng, ngữ pháp.
1. Pronunciation (Phát âm)
Phát âm tốt tạo nên ấn tượng tốt.
—MILENE
Pronunciation (Phát âm) là một trong những bước đầu cực kỳ quan trọng đối với học viên mới. Sau khi luyện tập phát âm 44 kí tự IPA (International-Phonetic-Alphabet: bảng kí hiệu ngữ âm quốc tế), học viên có thể tự đọc được phiên âm của từ vựng khi tra từ điển, phát âm đúng, cũng như nhận dạng được các âm khi nghe người bản ngữ. Bước này góp phần bổ trợ chính cho giai đoạn listening và giúp Speaking tự tin hơn.
- Ở giai đoạn vỡ lòng, khi muốn phát âm một từ, chúng ta nên tra từ điển để biết người bản ngữ phát âm từ đó như thế nào, tránh phát âm theo cảm tính.
- Có thể học phát âm trên một số app trên điện thoại để check giọng như ELSA Speak, FluentU, Pronunroid, English Pronunciation, Say It, Sounds, Học phát âm tiếng Anh…
Chúng ta nên nhờ một người có khả năng phát âm tốt để xem lại kỹ năng phát âm của mình, hoặc tham gia khóa học phát âm để nâng cao chất lượng hiệu quả hơn. Đây là giai đoạn cốt lõi và nền tảng vô cùng quan trọng để vượt qua rào cản khi học tiếng Anh, bởi chúng ta hay có tâm lý sợ dùng tiếng Anh để giao tiếp do ngại ngùng, xấu hổ trước đám đông khi phát âm sai với chất giọng khó nghe.
Khi đã có nền tảng ổn định, nên học phát âm nhiều loại accent (giọng) khác nhau để hiểu người bản xứ đến từ nhiều nơi (Anh – Anh, Anh – Mỹ, Anh – Úc, Anh – Canada,…) nhưng bước đầu cần chọn cho mình một loại giọng để duy trì thực hành.
2. Vocabulary (Từ vựng)
Một người nghèo từ vựng gần như là người có tư duy kém. Vốn từ vựng càng phong phú và rộng rãi cũng như nhận thức về những khác biệt tinh vi và sắc thái tinh tế của nghĩa từ vựng càng nhiều thì tư duy của người đó càng sâu sắc và chuẩn xác
—HENRY HAZLITT
- Học từ vựng sưu tầm được từ tất cả các nguồn phù hợp với trình độ (Youtube, sách, báo,…).
- Tra từ điển khi học từ để khai thác các yếu tố đi kèm: phiên âm, từ loại, nghĩa, cách dùng từ.
- Ngoài ra, học thêm synonyms (đồng nghĩa), near-synonyms (gần nghĩa), trái nghĩa (antonyms), collocation (sự kết hợp từ tự nhiên), và word family (họ từ).
Khi học thì phải chú trọng tra từ điển rất nhiều để đảm bảo độ đúng vì hãy nên đi chậm mà chắc. Nên kết hợp cả hai từ điển Anh–Việt và Anh–Anh (Lạc Việt và Oxford Advanced Learner's Dictionary có vẻ ổn nhất).
Khi có vốn từ căn bản, chuyển sang học theo sách hoặc trên web với các nguồn từ vựng tiếng Anh theo chủ đề sẽ đỡ vất vả hơn học lan man. Vì sách cung cấp từng bài để học, có bài tập để làm, giúp dễ nhớ từ mới.
Nên ghi chú từ vựng vào vở hoặc tự sáng tạo cách ghi chú riêng. Tạo thói quen ghi chú lại mỗi lần gặp từ nào mình không biết hoặc không nhớ để đẩy nhanh tiến trình nhớ.
Tưởng tượng Grammar giống như hồ xây, Vocabulary giống như những viên gạch; và có lẽ từ vựng là một trong những cơn ác mộng đối với người mới học tiếng Anh. Do đó, hãy áp dụng quy tắc ‘gặp riết sẽ nhớ’ chứ đừng bắt não nhớ ngay từ những lần gặp đầu. Khi mới học sẽ nhớ từ, sau đó học thêm thời gian sẽ nhớ cụm từ, rồi mới sang giai đoạn nhớ câu, nhớ đoạn, nhớ cả bài văn. Vấn đề là khi chúng ta đã có đam mê thì cứ đọc và học không ngừng sẽ giúp tích luỹ vốn từ rất nhanh.
3. Grammar (Ngữ pháp)
Ngữ pháp đối với một nhà văn giống như giải phẫu đối với một nhà điêu khắc, hay thang âm đối với một nhạc sĩ. Bạn có thể không thích nó, nó có thể làm bạn chán nản, nhưng không gì có thể thay thế được nó, và một khi đã làm chủ được nó, nó sẽ nâng đỡ bạn như một tảng đá.
—B. J. CHUTE
Về grammar, giai đoạn vỡ lòng nên học từ những sách song ngữ như Ngữ pháp căn bản - Mai Lan Hương. Khi đã có căn bản thì học trực tiếp sách ngữ pháp của Oxford hoặc Cambridge tuỳ theo trình độ: Elementary - Intermediate – Advance (Sơ cấp - Trung cấp - Nâng cao), cùng với rất nhiều nguồn được chắt lọc trên mạng.
Học ngữ pháp theo ngữ cảnh: kết hợp xem video song ngữ về những chủ đề ngữ pháp đang học để biết họ sử dụng thực tế như thế nào. Đồng thời, thực hành theo video sẽ giúp cải thiện Pronunciation (Phát âm), Listening (Nghe), Speaking (Nói) Quan sát hình ảnh trong video cũng sẽ giúp não dễ nhớ hơn, và quan trọng là biết cách áp dụng ngữ pháp vào thực tế chứ không phải qua các bài tập làm miệt mài vẫn không nhớ.
B. SKILLS (Kỹ năng)
Chúc mừng! Quý vị đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên không mấy dễ dàng của nền móng với khoản đầu tư học tập khá dài. Giờ đây, quý vị sẽ tiếp tục thử thách bản thân để tích lũy Các kỹ năng tiếng Anh: NGHE, ĐỌC, NÓI, VIẾTđể trở thành người sử dụng ngôn ngữ hiệu quả.
1. Listening (Nghe)
Chúng ta có hai tai và một miệng, vì vậy chúng ta nên lắng nghe nhiều hơn nói.
—DIOGENES LAËRTIUS
Quý vị sẽ không thể đạt được kỹ năng listening nếu không đầu tư nghiêm túc vào giai đoạn nền tảng của việc học phát âm, từ vựng và ngữ pháp. Vì vậy, nếu cảm thấy bản thân chưa ổn định trong giai đoạn đầu, hãy học lại chúng ngay từ bây giờ thay vì lãng phí thời gian và chán nản khi cố gắng nghe nhiều mà không hiệu quả.
Kỹ năng nghe nên kết hợp song song với phát âm để tối giản tiến trình, bởi kỹ năng nghe đòi hỏi rất nhiều thời gian để học viên có thể nắm bắt trọn vẹn nội dung.
Tưởng tượng khi học ngoại ngữ, chúng ta không khác gì một em bé mới lọt lòng, chỉ biết lắng nghe người lớn nói. Em bé phải mất nhanh nhất là mười mấy tháng để có thể bập bẹ nói những từ đơn giản. Do đó, khi càng cho não tiếp xúc nhiều với các bài nói của người bản ngữ, chúng ta sẽ sớm cải thiện kĩ năng Listening của mình.
- Để rút ngắn thời gian và hiệu quả thì nên thực hành nghe kết hợp:
+ Passive listening (unconscious listening) – nghe thụ động: Nghe trong khi ngủ, khi làm việc, bất cứ khi nào có thể nghe. Mục đích để cho não làm quen với loại ngôn ngữ mới và lâu dần sẽ hình thành Intonation (ngữ điệu) và Rhythm (Nhịp điệu) của người bản ngữ để có thể Speaking một cách tự nhiên (naturally).
+ Active listening (concentrated listening) – Nghe chủ động/ nghe tập trung: bắt đầu bằng những bài hội thoại đơn giản với tốc độ chậm. Mỗi ngày dành một khoảng thời gian cố định để nghe thật kỹ với EnglishSub (phụ đề) để biết cách họ nối âm và nhấn nhá ngữ điệu. Giai đoạn này cần nghe miệt mài, nghe liên tục, nghe đi nghe lại nhiều lần để nắm chắc nội dung. Dù có lúc hơi nản vì chưa nhận thấy tiến bộ, nhưng chỉ cần tập trung nghiêm túc vài tháng sẽ sớm có kết quả, tuỳ sự đầu tư mỗi người.
+ Critical/Analytical listening (Nghe hiểu): gồm Intensive và Extensive Listening
Nghe chép chính tả: Nghe từng câu, viết ra, rồi dò lại phụ đề. Phương pháp này thường hiệu quả nhất và bổ trợ các kĩ năng còn lại, nhưng cần sự kiên trì.
Nên áp dụng Intensive Listening (Nghe sâu) để nghe những bài khó hơn, tức nghe lại nhiều lần một bài nghe cho đến khi hiểu toàn bộ nội dung. Sau đó, chuyển sang Extensive Listening (Nghe rộng) để nâng cao khả năng nghe.
Duy trì tập luyện: Để không bị cùn thì phải luyện nghe thường xuyên; để không bị chán thì thay đổi nguồn nghe liên tục (Netflix, TV, Youtube, âm nhạc, phim ảnh, talk show, show truyền hình thực tế).
Bước 1: Nghe vài lần với phụ đề trước, dù không hiểu, cũng bình tĩnh nghe để đoán nội dung sơ sơ với các từ bạn đã biết.
Bước 2: Sau khi nghe vài lần mà vẫn chưa hiểu nội dung (do vốn từ quá yếu), hãy viết ra từ hay câu mà bạn không hiểu. Sau đó, tra từ điển để học từ vựng trước, và dịch hiểu nội dung.
Bước 3: Sau khi đã hiểu nội dung, hãy nghe lại 5-6 lần nữa với phụ đề tiếng Anh. Bạn sẽ thấy mình tiến bộ hơn so với bước 1.
Bước 4: Nghe từng câu và lặp lại (shadow) để luyện phát âm. Đừng vội nghe và đuổi nói theo hết cả bài, mà kiên nhẫn luyện từng câu. Thực hành bước này 4-5 lần.
Bước 5: Tắt phụ đề tiếng Anh hoặc không nhìn vào màn hình để nghe thử có hiểu hết nội dung không. Nếu chưa, quay lại bước 3 và 4 để luyện lại.
Hình thành thói quen với các bước như vậy mỗi ngày để không bị trôi kiến thức.
- Sau khi áp dụng nghe sâu và có thể nghe CNN, BBC, Youtube bằng tiếng Anh và hiểu 70-80% mà không cần quá nỗ lực, chuyển sang "extensive listening - nghe rộng. Phương pháp này đặc biệt quan trọng với những ai muốn phát triển kỹ năng biên phiên dịch hoặc chuẩn bị tới sống và làm việc ngoại quốc hay những nước nói tiếng Anh.
Nghe rộng không tập trung vào chi tiết giống nghe sâu mà xoay quanh việc hiểu ý người nói. Khi "nghe rộng", bạn có thể mất một từ, hoặc thậm chí một vài câu, nhưng miễn hiểu được nội dung thì đạt yêu cầu. Còn kể cả bắt được hết từ, nhưng chẳng hiểu người ta đang nói gì, coi như chưa đạt.
Như vậy, học nghe cần đầu tư nghiêm túc thời gian để nhận thấy sự cải thiện. Không có phương pháp nào sai hay đúng, và cũng không có mẹo (giống như em bé không có mẹo gì để nghe người lớn nói mà hiểu ngay được). Chỉ cần duy trì sự liên tục của việc luyện tập, nhất định sẽ có cải thiện. Trong khi nghe, nên tập trung vào từ vựng, ngữ điệu và khẩu hình của người bản ngữ để bắt chước (imitating) sẽ giúp từng bước hình thành kỹ năng Speaking.
2. Reading (Đọc)
Đọc là một kỹ năng cửa ngõ hỗ trợ mọi hoạt động học tập khác trở nên hiệu quả.
—BARACK OBAMA
Reading (Đọc) và Listening là hai kỹ năng chủ chốt để góp phần xây dựng Writing và Speaking, vì phải có input nạp vào mới có Output xuất ra. Khi nghe đủ thì sẽ nói được, cũng như khi đọc đủ thì mới viết được.
Tuy nhiên, quý vị sẽ không thể đạt được kỹ năng đọc nếu không đầu tư nghiêm túc vào giai đoạn nền tảng của việc học từ vựng và ngữ pháp. Vì vậy, nếu cảm thấy bản thân chưa ổn định trong giai đoạn đầu, hãy học lại chúng ngay từ bây giờ thay vì lãng phí thời gian và chán nản khi cố gắng đọc nhiều mà không hiệu quả.
Chọn những tài liệu vừa tầm để đọc và học từ vựng (xem phần Vocabulary). Trong khi đọc, ghi chú lại từ vựng hoặc cụm từ mình tâm đắc để sử dụng cho Writing và Speaking. Đồng thời, xem cách họ dùng từ vựng theo ngữ cảnh, phân tích cấu trúc ngữ pháp, cũng như cách trình bày ý tưởng và lối hành văn khác tiếng Việt như thế nào.
3. Speaking (Nói)
Cách thông thường duy nhất để bắt đầu nói một ngôn ngữ mới là bắt đầu bằngcách nói chưa hay.
—GREG THOMSON
Quý vị sẽ không thể đạt được kỹ năng speaking nếu không đầu tư nghiêm túc vào giai đoạn nền tảng của việc học phát âm, từ vựng và ngữ pháp. Vì vậy, nếu cảm thấy bản thân chưa ổn định trong giai đoạn đầu, hãy học lại chúng ngay từ bây giờ thay vì lãng phí thời gian và chán nản khi cố gắng nói nhiều mà không hiệu quả.
Tập nói từ những bài hội thoại đơn giản góp nhặt qua quá trình Listening. Cố gắng tìm bạn bè (online/offline) để luyện tập sẽ hiệu quả hơn.
Nếu không tìm được bạn thì kiên trì thực hành giống quá trình học Listening, nghe và bắt chước người bản xứ, kèm theo ghi âm lại giọng nói để tự đánh giá hoặc nhờ người nhận xét.
Giao tiếp với người đi trước để học hỏi kinh nghiệm và nhờ họ sửa lỗi sai.
Tập nói chậm và rõ trước khi nói hay. Để có giọng nói hay, cần phát âm tròn và rõ chữ, chú ý ngữ điệu lên xuống, quy tắc nối âm, lấy hơi, ngắt nghỉ, âm lượng, biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể.
Khi qua giai đoạn căn bản, tạo bộ từ vựng riêng dành cho Speaking và thực hành theo chủ đề (IELTS) vì nhiều từ vựng Speaking sẽ khác Writing. Muốn nâng cấp kỹ năng nói, cần kiểm soát ngữ pháp kèm fluency (trôi chảy).
Tư duy bằng tiếng Anh hay giao tiếp phản xạ chỉ dành cho những ai đã có vốn từ vựng và cụm từ căn bản nên học viên mới không nên quá lo lắng vấn đề này.
4. Writing (Viết)
Nếu bạn không có thời gian để đọc, bạn sẽ không có thời gian (hoặc công cụ) để viết. Đơn giản vậy thôi.
—KING STEPHEN
Writing (Viết) là kỹ năng cao nhất để có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo vì người học phải có khả năng kết hợp sử dụng từ vựng và ngữ pháp với văn phong phù hợp. Vì vậy, quý vị sẽ không thể đạt được kỹ năng viết nếu không đầu tư nghiêm túc vào giai đoạn nền tảng của việc học từ vựng và ngữ pháp. Vì vậy, nếu cảm thấy bản thân chưa ổn định trong giai đoạn đầu, hãy học lại chúng ngay từ bây giờ thay vì lãng phí thời gian và chán nản khi cố gắng viết nhiều mà không hiệu quả. Người học cần nắm chắc ngữ pháp cơ bản, chăm chỉ củng cố vốn từ vựng học thuật và trang trọng, và tập trung nhiều vào ĐỌC vì phong cách viết khác phong cách nói.
- Học chắc ngữ pháp căn bản, liên tục trau dồi vốn từ vựng học thuật (academic) và trang trọng (formal), cũng như READING thật nhiều.
- Tạo thói quen chép đi chép lại bài Reading hoặc Writing của người bản ngữ.
- Khi mới viết hãy tập viết câu với tất cả ý tưởng nảy ra trong đầu dựa theo nguồn từ vựng đã tích luỹ từ Vocabulary, Reading, ... và nhờ người đi trước sửa bài hộ để học lỗi sai, sau đó phát triển lên viết đoạn và bài luận văn (essay). Viết càng nhiều sẽ càng có kinh nghiệm và cũng không có mẹo.
- Sử dụng đa dạng từ điển Anh – Anh để so sánh, mở rộng và lựa chọn từ vựng Writing phù hợp: Oxford, Cambridge, Longman, Macmilan, Collocation, Synonyms, Antonyms.
- Khi có khả năng đọc từ điển thì phải luôn bám sát các nguồn từ điển Anh - Anh để đảm bảo đang Writing chứ không phải viết tiếng Anh theo kiểu tiếng Việt hay word-by-word, từ đâu nghĩa đó.
Không có bất kỳ từ điển Anh - Việt nào đảm bảo độ chính xác. Khi mới học, chúng ta sẽ tra từ điển Anh - Việt để tham khảo nghĩa và phải học liên tục tới giai đoạn TỰ ĐỌC TỪ ĐIỂN ANH-ANH thì xin chúc mừng quý vị đã trở thành người học độc lập và bản thân không còn chán nản với tiếng Anh nữa.
C. PROFICIENCY (Thành thạo)
Sau khi đã xây dựng sâu và vững hai giai đoạn đầu NỀN TẢNG và KỸ NĂNG, người học có thể thử thách bản thân để đạt đến PROFICIENCY (Thành thạo) bằng cách tiếp tục nâng cao kiến thức để đạt đến trình độ cao nhất TRANSLATION (Biên dịch) và INTERPRETING (Phiên dịch).
Đến với giai đoạn này, tiếng Anh của người dịch ít nhất nên ở trình độ B2. Người dịch sẽ vừa có cơ hội kết hợp thực hành kỹ năng dịch thuật, vừa học tiếp lên C1, C2 vì trong quá trình dịch sẽ học được rất nhiều từ vựng cao cấp, học thuật và chuyên ngành nên vốn từ sẽ được mở rộng và nâng cao rất nhanh. Do đó, dịch thuật là cách học ngôn ngữ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Trong giới dịch thuật, người ta hay dùng từ thông dịch viên để chỉ cho người làm biên phiên dịch. Thông dịch viên bao gồm biên dịch - dịch viết và phiên dịch - dịch nói. Biên dịch viên sẽ làm việc với các dạng câu chữ trên văn bản; phiên dịch viên sẽ làm việc để dịch các đoạn hội thoại trực tiếp. Cho dù biên dịch hay phiên dịch, mục đích cuối cùng vẫn là chuyển ngôn ngữ từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ đích để hai bên tham gia hội thoại để hiểu nhau, lắng nghe và đưa ra quyết định cùng nhau.
Người biên phiên dịch phải trang bị hết tất cả các kỹ năng cần thiết: trình độ ngoại ngữ, khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, logic, am hiểu chuyên môn, có năng lực tra cứu, phân tích và tổng hợp.
Biên phiên dịch song ngữ Anh Việt là công việc không hề đơn giản và dễ dàng đối với người Việt Nam, mặc dù tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới. Thực tế chỉ ra rằng, có rất nhiều người thông thạo cả hai thứ tiếng nhưng vẫn mắc những lỗi cơ bản trong biên phiên dịch tiếng Anh.
Có nhiều học viên rất vững về văn phạm và phong phú về từ vựng nhưng lại không thể dịch nhuần nhuyễn một đoạn văn sang tiếng Việt và ngược lại từ Việt sang Anh. Ðiều đó rất dễ hiểu vì bản thân người đó không nắm vững phương pháp dịch thuật. Cũng như các kỹ năng khác, biên phiên dịch cũng có thể được cải thiện và trau dồi nếu học viên đủ đam mê và kiên trì học hỏi cũng như luyện tập thường xuyên.
Nếu phiên dịch viên phải chịu sức ép lớn về thời gian eo hẹp thì biên dịch viên được cung cấp nhiều thời gian hơn, cũng không quá đòi hỏi khả năng phản ứng nhanh nhạy ngay tức thì. Một bản dịch phải đảm bảo độ trôi chảy, chính xác, liền mạch và không có sự sai sót.
Như vậy, phiên dịch khó hơn biên dịch vì phải cọ xát, rèn luyện, học tập trong môi trường thực tế rất nhiều để có khả năng thể hiện sự nhanh nhạy của kiến thức, kiểm soát tốt cảm xúc bản thân và dịch trực tiếp trước mặt người nghe nhằm truyền tải nội dung hiệu quả.
1. Translation (Biên dịch)
Translation (Biên dịch) là hành động chuyển tài liệu bằng văn bản từ một ngôn ngữ này sang tài liệu viết tương đương bằng ngôn ngữ khác.
Một dịch giả phải nỗ lực không chỉ trình bày những gì tác giả đã trình bày mà còn phải trình bày như chính tác giả đã trình bày.
—JOHN CONINGTON
A. Kỹ năng cứng (có thể học qua tài liệu hay trường lớp)
1. Kỹ năng ngôn ngữ
1.1. Thông thạo song ngữ: Ngôn ngữ nguồn (tiếng Anh) và ngôn ngữ mục tiêu (tiếng Việt)
1.2. Expand translation abilities: ceaselessly boost knowledge and enhancing vocabulary
1.3. Nắm rõ cấu trúc ngữ pháp và văn phong song ngữ
1.4. Xác định cấu trúc từ ngữ nào được dùng nhiều hơn
1.5. Sử dụng từ ngữ dễ hiểu và hợp nghĩa nhất
1.6. Chú ý văn cảnh câu văn
1.7. Cân nhắc sử dụng ngôn ngữ thông dụng hay thuật ngữ khoa học
1.8. Khả năng sử dụng ngôn từ linh hoạt và sâu rộng
1.9. Trau dồi kiến thức chuyên ngành và lĩnh vực dịch
1.10. Thấu hiểu về các nền văn hóa khác nhau
2. Kỹ năng đọc hiểu tài liệu: đọc sách, ghi chép và xem lại đều đặn mỗi ngày
3. Kỹ năng tin học
4. Kỹ năng tra cứu, sử dụng công nghệ
B. Kỹ năng mềm (kỹ năng thực tế)
1. Chăm chỉ và kiên trì
2. Tỷ mỉ cẩn trọng
3. Độ tin cậy
2. Interpreting (Phiên dịch)
Một tác phẩm phiên dịch không nhất thiết phải hấp dẫn; nó chỉ cần đúng như hình dung của người sáng tác.
—EDWARDS STERLING
Interpreting (Phiên dịch) là hành động nghe điều gì đó bằng một ngôn ngữ và diễn đạt bằng miệng (hoặc ký hiệu) bằng ngôn ngữ khác.
Phiên dịch đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn biên dịch vì người dịch phải cọ xát, rèn luyện, học tập trong môi trường thực tế rất nhiều để có khả năng thể hiện sự nhanh nhạy của kiến thức và kiểm soát tốt cảm xúc bản thân khi dịch trực tiếp trước mặt người nghe.
Ngoài những kỹ năng cần trang bị ở phần biên dịch, phiên dịch viên cần rèn luyện thêm một số khả năng sau:
1. Giao tiếp: nghe tích cực, kỹ năng nói, tự tin, tương tác và kết nối đối tác
2. Tổ chức: thiết lập mục tiêu, ưu tiên, ra quyết định, tư duy và lập kế hoạch chiến lược, hợp tác, quản lý thời gian
3. Linh hoạt và thích ứng: sẵn sàng đón nhận thử thách mới, suy nghĩ nhanh nhạy để ứng phó với thay đổi đột ngột, kiên trì trước khó khăn bất ngờ
4. Quản lý cảm xúc: tỉnh thức, nhìn lại bản thân, từ bi, tôn trọng, phát triển trí tuệ cảm xúc
5. Xử lý áp lực: định tĩnh, duy trì thói quen lành mạnh giữ bình tĩnh trước khó khăn
TÓM TẮT
- Đối với học viên mới, thử thách lớn nhất là giai đoạn học phát âm, từ vựng và ngữ pháp. Thành công hay không là do ba mảng kiến thức căn bản này quyết định. Nếu đã đam mê thì phải xác định con đường đi cho mình thật nghiêm túc và đầu tư ngay từ đầu. Tránh xác định tư tưởng rằng học để giao tiếp và học cho biết vì để giao tiếp được thì vốn tiếng Anh cũng phải kha khá chứ không phải chỉ học vài tháng hay một lộ trình nào đó là đủ.
- Nhìn chung, bốn kỹ năng đều có mối liên hệ mật thiết và bổ trợ lẫn nhau nên chúng ta hãy cố gắng kết hợp cả bốn trong khi học và dành thời gian ĐỀU ĐẶN để trau dồi các kỹ năng MỖI NGÀY.
Học ngoại ngữ phải chú trọng hỏi câu "Tôi đã làm (nghe/nói/đọc/viết) từ ấy/câu ấy/bài ấy bao nhiêu lần?" Đừng nên chú trọng "đúng sai." Thực hành nhiều tất sẽ đúng.
—DO CAO SANG
Không ai dám tự nhận mình giỏi ngoại ngữ mà chỉ thành thạo ở một số lĩnh vực nào đó, vì kiến thức vốn bao la. Cũng không có bất kỳ phương pháp thần thánh hay một khoá học nào để học cấp tốc trong một thời gian ngắn mà thành thạo được cả một ngôn ngữ. Có lẽ phải tính bằng năm hay HỌC CẢ ĐỜI. Nhìn chung, não chúng ta không phải là thiên tài nên chỉ có một bí quyết duy nhất – ‘gặp riết sẽ nhớ’..
So don’t worry!
Quan trọng nhất, chúng ta phải có MỤC TIÊU – ĐAM MÊ – KIÊN TRÌ thì sẽ sớm thành công.
Chỉ cần không ngừng nỗ lực, bất kể thời gian.
—Tue Minh
ĐỪNG GẤP TRONG THỜI GIAN, HÃY GẤP TRONG NỖ LỰC
- Một chút kinh nghiệm học tiếng Anh của cá nhân người viết.
- Tài liệu này đang tiếp tục được cập nhật.
- Mong rằng nó hữu ích với quý vị
PRACTICE MAKES PERFECT
Sayalay Vijjāñāṇī (Tue Minh)